Thiệu Hóa (Thanh Hóa): 3 đời Chủ tịch bán trái thẩm quyền gần 100 suất đất Trụ sở UBND xã Thiệu Công. Ảnh: VT
Ngày 27/5/2019, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã ban hành Kết luận số 700/KL-UBND thanh tra trách nhiệm của UBND xã Thiệu Công trong việc giải quyết tồn đọng về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu cho các hộ gia đình trên địa bàn.
Kết luận thanh tra đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm của chính quyền xã trong việc quản lý đất đai và bán đất trái thẩm quyền.
Nội dung kết luận thanh tra cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Thiệu Công còn tồn đọng 144 trường hợp chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu.
Trong đó, có 69 trường hợp SDĐ có nguồn gốc trước năm 1980 và 75 trường hợp SDĐ do UBND xã “giao đất” (thực chất là bán đất) trái thẩm quyền qua các thời kỳ.
Qua kiểm tra cho thấy, UBND xã Thiệu Công chưa lập sổ theo dõi cấp GCNQSDĐ theo quy định, việc cập nhật, theo dõi và quản lý GCNQSDĐ trên địa bàn xã chưa đầy đủ, chưa chính xác; hồ sơ giao đất, thu tiền SDĐ một số năm bị thất lạc, gây khó khăn cho việc thu thập, xác minh và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ cho các hộ.
Việc này, trách nhiệm này thuộc về UBND xã Thiệu Công qua các thời kỳ mà người chịu trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND; công chức địa chính và Kế toán ngân sách xã.
Vào các năm 1998, 2001, 2004 và 2005 khi được cấp có thẩm quyền quyết định giao đất cho các hộ dân; UBND xã Thiệu Công đã không thực hiện như các quyết định mà lại chia tách, giao thêm cho một số hộ khác để tăng thu cho ngân sách xã, việc làm này là trái thẩm quyền, trái quy định của pháp luật.
Việc UBND xã Thiệu Công tổ chức thu tiền của một số hộ dân với ý định giao đất nhưng thực tế đã không bàn giao đất cho các hộ là trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của công dân.
Năm 2000, UBND xã Thiệu Công đồng ý để Trường THCS Thiệu Công mở rộng khuôn viên từ việc lấy đất của một hộ dân khác và đổi đất cho hộ công dân này ra một vị trí mới nhưng không thực hiện quy trình, thủ tục, không báo cáo cấp có thẩm quyền.
Trong khi chưa làm rõ nguồn gốc, tranh chấp đất đai, nhưng đã tự ý giao đất cho một hộ khác là không đúng quy định của pháp luật. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến đơn thư, khiếu kiện kéo dài.
Trong số 144 trường hợp chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu thì có 71 trường hợp SDĐ có nguồn gốc trước năm 1980; 13 trường hợp SDĐ do được cấp có thẩm quyền quyết định giao đất hoặc hợp thức hóa QSDĐ qua các thời kỳ.
Những trường hợp này, kết luận thanh tra đã chỉ rõ, trách nhiệm thuộc về UBND xã Thiệu Công. UBND xã Thiệu Công đã bộc lộ sự yếu kém trong công tác quản lý đất đai, chưa giải quyết dứt điểm các tranh chấp phát sinh, chưa thu thập đầy đủ hồ sơ giao đất, để một số hộ dân lấn chiếm, chuyển đổi mục đích SDĐ mà không có biện pháp xử lý…
Đối với 52 trường hợp do UBND xã Thiệu Công giao đất trái thẩm quyền, Cơ quan Thanh tra nêu rõ, UBND xã Thiệu Công đã buông lỏng công tác quản lý, tự ý giao đất cho các hộ dân trái thẩm quyền.
Để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm chính thuộc về tập thể UBND xã Thiệu Công và các cá nhân là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND xã qua các thời kỳ. Cụ thể:
Ông Trịnh Đình Đan (Chủ tịch UBND xã thời kỳ 1992-1996; Bí thư Đảng ủy xã thời kỳ 1996-2000). Ông Đan đã trực tiếp chỉ đạo giao đất trái thẩm quyền cho một số hộ dân năm 1994 và một số hộ trước 15/10/1993.
Ông Trịnh Đình Thai (Chủ tịch UBND xã thời kỳ 1996-2004; Bí thư Đảng ủy xã thời kỳ 2004-2015). Ông Thai đã trực tiếp chỉ đạo giao đất trái thẩm quyền cho 20 hộ dân, đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ; 9 hộ thuộc trường hợp được UBND tỉnh, UBND huyện giao đất theo quyết định nhưng không tập trung chỉ đạo cấp GCNQSDĐ.
Năm 1998 và năm 2001, khi thực hiện các quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền, ông Thai đã chỉ đạo chia, tách và giao thêm trái thẩm quyền cho 29 hộ dân. Đồng thời vị lãnh đạo này đã chỉ đạo tính toán lại số tiền các hộ phải nộp; chỉ đạo tổ chức thu tiền của 2 hộ dân với ý định mua đất theo hình thức tạm gửi ngân sách xã nhưng không bàn giao đất; đồng ý mở rộng khuôn viên Trường THCS Thiệu Công, đổi đất cho hộ dân không đúng quy định, không báo cáo cấp có thẩm quyền.
Ông Tạ Minh Hoàn (Bí thư Đảng ủy xã thời kỳ 2000-2004; Chủ tịch UBND xã thời kỳ 2004-2015). Ông Hoàn đã trực tiếp chỉ đạo giao đất trái thẩm quyền cho 11 hộ dân sau 1/7/2004, đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ; 4 trường hợp được UBND huyện giao đất theo quyết định nhưng chưa tập trung chỉ đạo cấp GCNQSDĐ; năm 2005 và 2015 khi thực hiện các Quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền ông Hoàn đã chỉ đạo chia tách và giao thêm đất trái thẩm quyền cho 18 hộ dân, đồng thời chỉ đạo tính toán lại số tiền các hộ phải nộp; chỉ đạo tổ chức thu tiền của 5 hộ dân với ý định giao đất theo hình thức tạm gửi ngân sách xã nhưng thực tế không bàn giao; trong khi chưa làm rõ nguồn gốc, tranh chấp đất đai ông Hoàn đã chỉ đạo giao 138m2 đất trái thẩm quyền cho một hộ dân ở thôn Oanh Kiều.
Kết luận thanh tra của UBND huyện Thiệu Hóa cũng chỉ rõ, để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm tham mưu thuộc về các ông: Nguyễn Văn Hồng, cán bộ địa chính xã thời kỳ 1987-2002; ông Hoàng Xuân Lưu, cán bộ địa chính xã thời kỳ 2002-2013; ông Trịnh Văn Minh, kế toán ngân sách xã thời kỳ 1994-2006; ông Lê Văn Nghệ, thủ quỹ ngân sách xã thời kỳ 1989-2014; ông Thiều Đình Hoàng, công chức kế toán ngân sách xã thời kỳ 2006 đến nay.
Nhận định về những sai phạm được chỉ ra trong kết luận, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, những sai phạm của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND xã Thiệu Công qua các thời kỳ là rất nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự.
Rất có thể những sai phạm được chỉ ra trong kết luận mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chưa đầy đủ và bao quát. Đó chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc một số người dân nơi đây tiếp tục kéo xuống trụ sở UBND tỉnh, Tỉnh ủy Thanh Hóa đòi quyền lợi hôm 17/7/2019.
Một số chuyên gia cũng có ý kiến, trong trường hợp này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo Thanh Tra tỉnh vào cuộc thanh tra lại để đảm bảo khách quan, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển Cơ quan điều tra để xử lý nghiêm minh, đồng thời có biện pháp xem xét, giải quyết quyền lợi của công dân theo quy định của pháp luật.
-
Thanh Hóa duyệt quy hoạch mới khu dân cư hơn 10 ha tại thị trấn Lam Sơn
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 4873/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư tại thị trấn Lam Sơn (vị trí số 7, diện tích khoảng 10 ha), huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá....
-
Lộ diện cái tên “đen” nhất ngành xi măng: Thua lỗ kéo dài, âm nặng vốn chủ, nợ một nữ đại gia 326 tỷ suốt hơn một thập kỷ
Tính đến ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Xi măng Công Thanh ghi nhận hơn 19.550 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 7.300 tỷ đồng và các khoản chi phí lãi vay phải trả dài hạn là 10.557 tỷ đồng.
-
Doanh nghiệp nào sẽ thực hiện dự án Khu đất ở dân cư mới xã Vĩnh Phúc tại Thanh Hóa?
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 4840/QĐ-UBND chấp thuận Công ty cổ phần MFLand là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đất ở dân cư mới xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc.