29/11/2017 1:04 PM
Hàng chục hộ dân mất sạch tư liệu sản xuất nông nghiệp, lâm vào cảnh khốn cùng, còn Nhà nước thì thất thu tiền thuế sử dụng đất vì một dự án “bánh vẽ” tại xã Tam Sơn, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh do Trường Cao đẳng Bắc Hà là chủ đầu tư.
Dự án chết yểu, hàng chục ha đất bị hoang hóa
Theo đó, ngày 3/12/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ký Quyết định số 2030/QĐ-CT, về việc thu hồi hơn 21 ha đất (trong đó có hơn 19ha đất nông nghiệp) của xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) để thực hiện dự án xây dựng Trường cao đẳng dân lập Công nghệ Bắc Hà (viết tắt là Trường Bắc Hà).
Tiếp đó, bằng các Quyết định số 1279/QĐ-CT ngày 6/7/2005 và số 1512/QĐ-CT ngày 26/7/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao hơn 21ha đất này cho Trường Bắc Hà thực hiện dự án.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm có quyết định giao đất, Trường Bắc Hà mới chỉ xây dựng một nhà hiệu bộ kiêm giảng đường, còn lại các hạng mục công trình phụ trợ khác vẫn bỏ ngỏ.
Đáng chú ý, trong quá trình sử dụng đất, Trường Bắc Hà còn để xảy ra sai phạm khi sử dụng sai mục đích hơn 2ha đất để phân lô, bán nền cho cán bộ trong trường. Sai phạm này sau đó đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện và kiến nghị xử lý.
Tìm hiểu được biết, năm 2010, ông Nguyễn Đức Tuấn là Phó Chủ tịch HĐQT trường Bắc Hà thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bắc Hà (viết tắt là Cty Bắc Hà). Năm 2011, Cty Bắc Hà khai trương Trung tâm sát hạch lái xe Bắc Hà, trong đó ông Tuấn giữ chức vụ giám đốc, xây dựng trên khoảng 3 ha đất thuộc dự án đang bị bỏ hoang hóa.
Năm 2014, Trường Bắc Hà cũng có “động thái” xin trả lại 12ha đất hoang hóa do không thực hiện dự án, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao cho UBND thị xã Từ Sơn quản lý.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng TNMT Thị xã Từ Sơn lại cho biết, chỉ đạo trên mới chỉ dừng lại ở mức chủ trương mà chưa được thực hiện bằng quyết định. Vì vậy, 12ha đất bị bỏ hoang hóa vẫn được bỏ ngỏ từ đó đến nay. Gần đây, do nhu cầu nâng cao nên Cty Bắc Hà đã mở rộng gấp đôi trung tâm sát hạch lái xe.
Nhà nước thất thu
Trước kia, thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành giáo dục nên được UBND tỉnh Bắc Ninh đã ưu đãi rất nhiều khi giao liền tay hơn 21ha đất, đồng thời không thu tiền sử dụng đất 6ha theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD107152 do UBND tỉnh Bắc Ninh cấp cho trường Bắc Hà.
Nhưng một dự án giáo dục hoành tráng được trường Bắc Hà “bánh vẽ” đến nay có nguy cơ “chết yểu” bởi quy mô tuyển sinh và đào tạo học sinh, sinh viên ngày càng khiêm tốn.
Trên thực tế, hiện nay, phần lớn diện tích đất của dự án đang được Cty Bắc Hà khai thác oại hình kinh doanh dịch vụ đào tạo sát hạch lái xe.
Giao cho đơn vị tư nhân thực hiện giáo dục không hiệu quả dẫn tới việc lãng phí và việc sử dụng sai mục đích tài nguyên đất. Hơn nữa, việc ưu đãi của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã từng được Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra việc không thu tiền sử dụng đất với dự án của trường Bắc Hà là sai quy định của pháp luật.
Thế nhưng, sau 7 năm có kết luận thanh tra ấy, hiện trạng dự án vẫn không thay đổi, còn cơ quan quản lý nhà nước thì dường như không đoái hoài đến trách nhiệm phải truy thu tiền sử dụng đất, cũng như việc quản lý đất của trường Bắc Hà ngay cả khi họ “ngỏ ý” xin trả lại.
Người dân lâm cảnh khốn cùng
Không chỉ nhà nước thất thu và lãng phí tài nguyên mà những người nông dân thuộc diện thu hồi đất để thực hiện dự án trường Bắc Hà cũng rơi vào hoàn cảnh khốn cùng.
Cụ Tạ Thị Huyền (76 tuổi, xóm Chúc, xã Tam Sơn) kể trong nước mắt: “Gia đình tôi 10 người bị mất 1 mẫu đất (3600m2 - PV) cho Bắc Hà. Từ một người nhiều ruộng, đủ ăn, tôi bây giờ phải đi quét chợ, bà con thương cho mỗi ngày 10,000 đồng để sống qua ngày, con cái đi tha hương cả”. Không có đất sản xuất, không có việc làm, nhiều hộ dân phải chạy chợ hoặc làm thuê để kiếm sống.
Đã vậy, để thực hiện dự án trường Bắc Hà, chính quyền địa phương phải bố trí diện tích khác để tái định cư cho những hộ gia đình trong diện thu hồi. Tuy nhiên, một số hộ dân xóm Chúc đã mất đất trong dự án Bắc Hà nay lại tiếp tục bị thu hồi đất để làm khu tái định cư.
Trớ trêu thay, họ rơi vào cảnh bần cùng hóa vì không còn tư liệu sản xuất, trong khi đó, tiền đền bù hơn 20 triệu đồng/sào khi thực hiện dự án Bắc Hà không đủ để mua đất tái định cư ở dự án mới.
Vì vậy, để không mất quyền lợi, không ít người dân phải “cố đấm ăn xôi” vay lãi ngày, vay ngân hàng từ vài chục đến trăm triệu đồng để có tiền đóng góp kịp tiến độ làm hạ tầng kỹ thuật.
Nhưng lại một lần nữa, 9 năm trôi qua, dự án tại cánh đồng Đỗi (xóm Chúc) vẫn bộn bề cỏ mọc. Bị mất đất đến hai lần, tiền đóng không thấy tăm hơi, những người dân xóm Chúc, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh dường như lâm vào đường cùng.
Nguyện vọng tha thiết của họ là mong mỏi cơ quan chức năng quy hoạch lại dự án, tái định cư cho họ trên khu đất hơn 10 ha hoang hóa thuộc dự án trường Bắc Hà, đồng thời giữ lại cánh đồng nơi chuẩn bị thực hiện dự án để có tư liệu sản xuất nông nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, ông Cường, thừa nhận trách nhiệm trong việc chậm giao đất của chính quyền, các cơ quan chức năng. Còn đối với yêu cầu chuyển đất tại dự án khu dân cư dịch vụ sang khu đất giao cho Trường Bắc Hà của các hộ dân xóm Chúc, đại diện chính quyền cho rằng không thể thực hiện, bởi cả hai dự án này khác nhau và đều phải tuân thủ đúng quy hoạch, quy định của pháp luật.
Rõ ràng, chậm xử lý diện tích đất đã giao nhưng nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án, không giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân là trách nhiệm của các cấp chính quyền.
Được biết, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đang có kế hoạch thanh tra với trường Bắc Hà. Dư luận đặt câu hỏi, đến thời điểm này, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục “mềm tay” khi còn tiếp tục ưu đãi cho trường Bắc Hà nữa hay không? Bởi từ khi triển khai thực hiện dự án đã dẫn tới hàng loạt hệ lụy như lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách là đời sống chính trị ở địa phương bất ổn, người dân bức xúc, phát sinh những khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
Tiến Phong (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.