19/03/2012 12:43 AM
Ảnh hưởng từ thị trường bất động sản (BĐS), các công trình xây dựng ảm đạm kéo dài, nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) cũng hệ lụy theo. Đến thời điểm này, hàng loạt dự án căn hộ xây dựng xong không thể tiêu thụ, trong khi đó, mức tồn đọng và sụt giảm thị phần của một số sản phẩm VLXD đang ở mức báo động, vượt ngưỡng trên dưới 50%.

Trầm lắng

Đầu tuần này, chúng tôi nhận được ít nhất 3 cuộc điện thoại của các vị giám đốc trong ngành BĐS nhờ chào bán hàng trăm căn hộ đang trong giai đoạn hoàn thiện ở các khu vực “vàng”: quận 2, quận 7 TPHCM… với mức giá trên dưới 15 triệu đồng/m2. Mức giá này giảm khoảng 25%-30% so với công bố trước đó. Giám đốc Công ty Xây dựng H.S Nguyễn Sơn cho biết, để tránh tình trạng lỗ kéo dài, công ty đã ngưng thi công 2 công trình nhà nước và chấp nhận lỗ tiền cọc đấu thầu. Hiện DN chỉ giữ lại một đội quân gồm 5 thợ chính để thi công công trình nhà dân, nhưng đầu năm đến nay cũng chỉ lác đác công trình khởi công, lợi nhuận chỉ đủ đắp đổi chi phí.

Thị trường vật liệu xây dựng: “Trùm mền” chờ công trình

Thép chất đầy tại một cửa hàng VLXD trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Trong khi đó, về phía DN kinh doanh VLXD, ông Hoàng Văn Tiều, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên Phát, chuyên kinh doanh VLXD cao cấp, quận Bình Tân cho biết, hiện tại mãi lực kinh doanh giảm trên 40% so với cùng thời điểm năm ngoái. Các đầu mối tiêu thụ VLXD đang tạm ngưng do không có công trình mới, chỉ các công trình đang làm dở hoặc nhỏ mới mua hàng. Theo ông Tiều, các công ty nhập khẩu VLXD đang thực hiện khuyến mãi hấp dẫn cho các công ty bán lẻ, nhưng vẫn không tiêu thụ được. Nguyên nhân, các chủ thầu quen biết trước đây đều đưa ra nhận định, nhiều công trình xây dựng quy mô sẽ còn đắp chiếu, kéo theo ngành kinh doanh VLXD không có lối ra.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Hoàng Sơn Nguyễn Kim Thúy quận Tân Bình cho biết, đầu năm đến nay sản lượng tiêu thụ VLXD của DN giảm 50% so với cùng kỳ và đạt khoảng 1.500 tấn thép các loại. Để thoát khỏi tình trạng bế tắc này, công ty đang khảo sát một số thị trường tại Campuchia, Lào, Malaysia… “Chúng tôi chỉ cầm cự thêm một thời gian, nếu thị trường tiếp tục ảm đạm chắc phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh”, bà Thúy tâm sự.

Báo động tồn kho, phá sản tăng cao

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đầu năm 2012 tăng trên 21% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao kỷ lục như sản xuất cáp điện và dây điện (có bọc cách điện) tăng 88%; xi măng 84,4%; bột giấy, giấy và bìa tăng 82,6%; giường, tủ, bàn ghế tăng 77,8%; giày dép tăng 49,9%; thức ăn gia súc tăng 42%... Dẫn chứng, xi măng hiện có lượng hàng tồn kho vào khoảng 3,5 triệu tấn; gạch ốp lát tồn kho trên 30 triệu m2, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng. Riêng lượng thép tồn kho gần 400.000 tấn và 560.000 tấn phôi thép.

Để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, các DN cần nâng cao tính tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm và thâam nhập thị trường nước ngoài; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành VLXD ở nước ngoài, đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, tích cực liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để được tư vấn, giới thiệu các cơ hội hợp tác kinh doanh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sẽ có khoảng 20% DN thép phá sản trong năm 2012 do các dự án BĐS, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn “án binh bất động”. Trước mắt, Công ty Thép Việt đã phải cắt giảm 50% công suất, Công ty Thép Vạn Lợi, tuyên bố ngừng sản xuất… Nhiều công ty khác chỉ hoạt động khoảng 30%-40% công suất, trong khi lượng hàng tồn kho khá lớn.

Đại diện các DN và hiệp hội ngành nghề đều đưa ra nhận định, sức mua giảm đã khiến tồn kho của nhiều ngành tăng lên, tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những ngành có năng lực sản xuất lớn như xi măng, gạch ốp lát, sắt thép…

Tuy nhiên, điểm mấu chốt và rào cản lớn nhất hiện nay là chi phí vay vốn quá cao; mặt khác, giá các vật tư nhiên liệu đầu vào chính như: than tăng 41%, điện tăng hơn 15%, vỏ bao tăng khoảng 25%... càng đẩy các DN vào cảnh khốn khó. Chưa kể, hiện nay việc kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng trên còn lỏng lẻo khiến hàng ngoại tràn vào, càng đẩy sức ép cạnh tranh đối với sản phẩm trong nước.

Do đó, giải pháp cấp bách trước mắt, Chính phủ cần có các biện pháp hạn chế nhập khẩu để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa và đưa ra các chính sách tháo gỡ cho DN. Về phía các DN, phải cơ cấu lại sản xuất, liên kết với nhau, tạo dựng những thương hiệu mạnh, chuyển hướng đầu tư sản xuất các chủng loại trong nước chưa sản xuất được. Phải quyết liệt giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.