Đồng loạt tăng giá... sức mua giảm
Các mặt hàng VLXD nội ngoại thất hiện nay đang chịu tác động mạnh của việc tăng dồn dập một lúc như giá xăng dầu, giá điện, than, tỷ giá USD, chi phí đầu vào, lãi suất ngân hàng,... buộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành VLXD phải điều chỉnh giá bán ra thị trường tăng từ 10 - 30% thậm chí có mặt hàng tăng 100%. Cụ thể, tại các cửa hàng kinh doanh VLXD trên đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ, giá thép bán ra dao động từ 16 - 18 triệu đồng/tấn, tăng gần 4 triệu đồng/tấn so với cuối năm 2010; xi-măng từ 1,1 - 1,4 triệu đồng/tấn tùy theo từng loại, tăng gần 100 ngàn đồng/tấn; gạch ống giá từ 800 - 1.250 đồng/viên tăng 200 đồng/viên; cát, đá, bê- tông cũng tăng bình quân từ 30 - 40 ngàn đồng/m3... Từ đầu năm đến nay sắt, thép là 2 mặt hàng tăng giá mạnh nhất từ 14,5 triệu đồng/tấn cuối năm 2010 lên 18,5 triệu đồng/tấn trong tháng 3-2011.
Cùng với các mặt hàng trên, một số mặt hàng VLXD giai đoạn hoàn thiện như sơn, gạch lót sàn, đá trang trí, trần thạch cao, đèn trang trí, cửa sắt,... cũng tăng từ 10 đến 30% so với cùng kỳ. Đặc biệt dây cáp điện tăng cao nhất, gần 100% so với cuối năm 2010. Ông Đỗ Kiên Cường, Giám đốc Cty Dây cáp điện Cadisun Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Nguyên liệu sản xuất dây cáp điện chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cộng với tỷ giá USD tăng và nhiều chi phí khác đã đẩy giá 1 cuộn (100m) loại CV 1 x 1,5 từ 250 ngàn đồng lên 452 ngàn đồng/cuộn. Giá sơn các loại cũng được tăng lên 10% đến 20% tùy loại. Cụ thể sơn Dulux ngoài trời giá dao động từ 750 - 800 ngàn đồng/thùng 5 lít, sơn chống kiềm chống thấm tăng lên 1,45 triệu đồng/thùng 18 lít, tăng hơn 200 ngàn đồng/thùng...
Do giá tăng nên sức mua của thị trường cũng giảm mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình. Một số người dân chuẩn bị xây nhà đã lâm vào cảnh lao đao vì giá tăng chóng mặt. Ông Phạm Hải Quốc cho biết cuối năm ngoái lên kế hoạch xây nhà 3 tầng khu vực Hòa Cường Bắc với diện tích xây dựng 68m2 được Cty xây dựng báo giá 630 triệu đồng bao gồm cả công vật tư và hoàn thiện, nhưng nay giá VLXD thời gian qua tăng quá cao, có loại tăng đến 30%; tiền nhân công cũng tăng từ 130.000 đồng lên 150.000 đồng/ngày nên phía Cty xây dựng báo giá lại hơn 800 triệu đồng buộc phải cắt bớt 1 tầng còn lại 2 tầng.
Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng đang cao và khó vay cũng ảnh hưởng rất lớn đến những người có nhu cầu xây dựng. Ông Phan Quốc Phúc cho biết: năm ngoái mua được lô đất nhỏ khu vực Q. Ngũ Hành Sơn, định đầu quý II làm thủ tục vay thêm ngân hàng 150 triệu đồng làm nhà, nhưng nay lãi suất cao hơn 21% cộng với giá cả VLXD lên cao đành tạm gác chuyện xây nhà qua một bên chờ thời điểm thích hợp mới xây nhà.
Hằng năm cứ vào cuối quý I đầu quý II là mùa xây dựng của các hộ gia đình và các công trình. Tuy nhiên, theo các cửa hàng tiêu thụ VLXD năm 2011 tình hình tiêu thụ khá ảm đạm, trong đó tiêu thụ thép tháng 3-2011 giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2010. Các Cty xây dựng tại Đà Nẵng thì cho biết khách hàng liên hệ xây dựng nhà ở hiện đang giảm từ 20 - 40% so với thời điểm năm ngoái, các công trình mới thì ít khởi công mà có khởi công thì cũng cầm chừng. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Cty Tư vấn Thiết kế Hoàng Nhật Anh cho biết: Thường đầu năm là mùa xây dựng nhưng đến nay Cty cũng mới triển khai thêm được một vài công trình nhỏ. Thậm chí, một số hợp đồng đã ký trước, nay chủ nhà cũng thông báo tạm hoãn để chờ giá vật tư giảm trở lại mới tính tiếp.
Năm 2011, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương cắt giảm đầu tư công bằng cách không triển khai những công trình chưa cần thiết. Trong khi đó, các công trình lớn luôn tiêu thụ nhiều VLXD. Đây cũng là nguyên nhân đẩy thị trường rơi vào tình trạng ế ẩm.
Mặc dù đang trong mùa xây dựng nhưng lượng thép tiêu thụ giảm mạnh.
Doanh nghiệp đang gồng mình xoay xở
Thị trường VLXD đang rơi vào tình trạng ế ẩm, lãi suất ngân hàng đang ở mức cao, giá nguyên liệu đầu vào, giá điện, xăng dầu,... tăng cao đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang phải cố gắng để vượt qua cơn bão khó khăn để củng cố, cầm cự giữ mục tiêu kinh doanh thậm chí là hòa vốn hoặc giảm lỗ thay mục tiêu phát triển trong bối cảnh không thể tăng giá tùy tiện khi mà nhu cầu tiêu thụ thấp vì người tiêu dùng thắt chặt hầu bao. Ông Nguyễn Ngọc Văn, Giám đốc Cty VLXD Tràng Tiền chia sẻ: Thông thường tình hình tiêu thụ không thuận lợi nhà phân phối sẽ tranh thủ đẩy nhanh hàng tồn kho để thu hồi vốn, sau đó mới mua hàng trở lại nhà sản xuất để quay vòng vốn tránh bị “chôn vốn”, khi mà lãi suất ngân hàng đang quá cao (hơn 20%) hiện nay. Trong khi phía doanh nghiệp sản xuất cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trịnh Hữu Chung, Giám đốc Cty CP cửa sổ Smart (khu công nghiệp An Đồn, Đà Nẵng) cho biết: Trước tình hình khó khăn hiện nay, rút ngắn thời gian sản xuất, giải quyết nhanh hàng tồn kho, không trữ nhiều nguyên liệu và tìm cách tăng năng lực nhà phân phối để quay nhanh và nâng hiệu quả sử dụng đồng vốn, tránh áp lực lãi vay và chi phí tăng cao, hạn chế tăng giá đầu ra là những giải pháp đang được công ty triển khai hiện nay.