Trước những biến động của thị trường vàng, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, nhà đầu tư cần phải thật tỉnh táo, nhạy bén, tránh tâm lý đám đông, nắm bắt thông tin cho chuẩn xác khi quyết định đầu tư vào thị trường này. Thế nhưng, với tâm lý hám lợi, phần đông nhà đầu tư vẫn quyết định chạy theo sàn “chui” dẫu biết rằng rủi ro mà họ gánh chịu chỉ trong một sớm một chiều.

Với tâm lý hám lợi, phần đông nhà đầu tư vẫn quyết định chạy theo sàn vàng “chui” dẫu biết rằng rủi ro mà họ gánh chịu chỉ trong một sớm một chiều. Ảnh: Nguồn internet

Rủi ro từ sàn vàng “chui”

Đánh trúng tâm lý hám lợi của người dân, vì thế sàn vàng “chui” vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Hiện tại, TP.HCM có 3 sàn vàng hoạt động với hơn 10 chi nhánh, số tài khoản tham gia lên tới vài nghìn. Theo đó, với số tiền 20 triệu đồng trong tài khoản, nhà đầu tư có thể sử dụng số tiền lên tới 20 tỷ đồng để giao dịch (gấp 1.000 lần số tiền trong tài khoản). Chính vì vậy có thể lý giải vì sao đến nay dù đã bị cấm nhưng bằng cách này hay cách khác, sàn vàng vẫn tìm cách tồn tại.

Theo các nhà phân tích, việc các sàn vàng hoạt động chui chứa đựng rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, thậm chí còn rủi ro hơn cả thời điểm trước khi bị cấm. Thứ nhất, sàn “chui” không nằm trong khuôn khổ pháp lý, nếu có xảy ra tranh chấp sẽ không có gì làm cơ sở.

Thứ hai, với hình thức đầu tư theo kiểu vừa đá bóng, vừa thổi còi thì nhà đầu tư tham gia khó có khả năng thắng. Chẳng hạn, khi giá vàng tăng, nhà đầu tư ra lệnh bán, nhưng sàn vàng lại nói mạng hỏng không khớp lệnh thì biết kêu ai. Chưa kể đến những tác động đến thị trường do không thể quản lý được một lượng tiền lớn đang giao dịch ngầm.

Trên thực tế, cứ 10 người chơi vàng giao dịch “chui” thì có 6 người cháy tài khoản, 4 người còn lại trong trạng thái cắt lỗ. Gần đây nhất, giới đầu tư sàn vàng đang xôn xao về chuyện một nhà đầu tư thua gần 100 triệu USD khi chơi vàng qua tài khoản.

Hình thức sàn giao dịch vàng trên thế giới vẫn tồn tại và được coi là một kênh đầu tư. Song không ít chuyên gia nhận xét, sân chơi này không dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà phải là tổ chức chuyên nghiệp mới có thể chơi được. Giá vàng không đứng yên một chỗ. Vàng lên theo hình răng cưa, xuống ít, lên nhiều. Đó là cơ hội cho người kinh doanh có hiệu quả, đồng thời là bẫy cho người kinh doanh thiếu may mắn, không có vốn, nôn nóng.

Lập sàn giao dịch vàng tránh rủi ro

Trước những đợt tăng đột biến của giá vàng cho thấy đã đến lúc lập sàn giao dịch vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế cho rằng với thực tế là tại VN, thị trường vàng và đô la đang hoạt động “tự do”. Cụ thể với các đồng ngoại tệ, nhất là USD từ lâu đã tồn tại 2 thị trường và 2 tỉ giá. Tương tự đối với vàng, hoạt động này hoạt động cũng ngoài tầm kiểm soát. Trước đây VN từng có các sàn vàng hoạt động, thậm chí Bộ Tài chính đã từng tính toán đưa mô hình này vào hoạt động quản lý và đánh thuế. Thế nhưng do có quá nhiều tác động tiêu cực, các sàn vàng đã bị dẹp bỏ từ hồi đầu năm 2010.

Nhưng trước thực thế hiện nay, nhu cầu của người dân và yêu cầu của thị trường, việc có Sở giao dịch vàng là rất cần thiết để đáp ứng quy luật cung cầu và vận động của thị trường. Đặc biệt, các chuyên gia cũng nhận định việc tạo ra “sân chơi” cho người dân và rồi giám sát, kiểm soát sẽ tốt hơn rất nhiều so với tình trạng hoạt động tự do. Theo đó, việc thành lập sàn giao dịch sẽ đưa thị trường vàng hoạt động một cách chính thức, cơ quan quản lý Nhà nước quản lý được. Đồng thời tạo sân chơi cho các đơn vị, các thành phần trên sàn giao dịch, bảo đảm công bằng trên thị trường đó. Qua đó, sẽ hạn chế được lượng giao dịch không chính thức, tránh được những rủi ro không đáng có. Các cơ quan quản lý cũng nắm được lượng cung, cầu của thị trường vàng, cung cầu ngoại tệ liên quan đến vàng, lượng tiền giao dịch trên thị trường vàng một cách chính xác, để chủ động hơn và điều tiết kịp thời khi biến động xảy ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo việc thành lập Sở giao dịch vàng và vận hành hoạt động rất cần những chế tài quản lý, giám sát hiệu quả. Bởi trên thực tế, số đông người dân không chỉ có nhu cầu buôn bán vàng theo các hình thức “sàn giao dịch” mà còn có nhu cầu về vàng trang sức, vàng tích trữ, tiết kiệm. Bên cạnh đó, không phải người dân nào cũng có đủ năng lực để “giao dịch vàng”. Vì vậy, cần có quy định rõ về các loại hình giao dịch vàng để vừa kiểm soát thị trường, vừa điều tiết nhu cầu và đặc biệt là giảm sức ép lên thị trường vàng thương mại.

Theo phân tích CafeLand, so với gửi tiền tiết kiệm thì đầu tư vàng có hệ số lãi suất cao hơn hẳn. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng dễ dàng kiếm lãi suất từ thị trường này vì nó có thể là cơ hội kiếm tiền của người này nhưng cũng sẽ lại là vực thẳm của người khác.

Với tính đặc thù của nó, thị trường vàng chỉ có thể dành cho người kinh doanh chuyên nghiệp có “máu ăn thua”. Ví dụ, đối với người có vốn nhiều, họ dám giữ một số lượng vàng lớn trong khi nó đang tụt dốc và chờ cơ hội ngày mai nó lên. Nhưng với người không vốn, họ phải đi vay ngân hàng để đầu tư, khi giá vàng sụt giảm bắt buộc phải bán ra vì sợ lỗ thêm, nhưng nếu ôm “hàng” sẽ dẫn tới rủi ro cao.

Chính vì vậy, với biểu đồ giá vàng hình răng cưa như hiện nay, nhà đầu tư cần phải hết sức tỉnh táo, tránh tâm lý đầu tư theo đám đông và cần nắm bắt đầy đủ thông tin khi quyết định đầu tư vào thị trường này.

Trung Lập
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland