22/03/2011 4:53 AM
Từ khi động đất xảy ra tại Nhật Bản, giá thép xây dựng tại Trung Quốc đã tăng gần 3% và hiện đang ở quanh 700 USD/tấn.

Thảm họa thiên nhiên ở Nhật Bản hôm 11/3 khiến 11 nhà máy thép của nước này có các cơ sở sản xuất nằm trong bán kính 400km kể từ tâm chấn tại bờ biển phía đông, trong đó có các cơ sở của 5 hãng thép lớn nhất nước, phải ngưng sản xuất do mất điện. Sản lượng thép vì thế sẽ sụt giảm mạnh, ít nhất là trong tháng 3. Các khách hàng của Nhật sẽ phải chuyển hướng nhập khẩu sang Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nhật Bản cũng sẽ có nhu cầu lớn về thép xây dựng để tái thiết các vùng bị phá hủy. Nguồn cung khi đó chắc chắn sẽ hướng về Trung Quốc do đây là nước sản xuất tới gần một nửa tổng sản lượng thép toàn cầu (44,3%).

Từ khi động đất xảy ra tới nay, giá thép xây dựng tại Trung Quốc đã tăng gần 3% và hiện đang ở quanh 700 USD/tấn. Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc cho rằng thảm họa ở Nhật Bản là cơ hội cho các nước xuất khẩu láng giềng.

Với nước ta, Nhật không phải là nhà cung cấp hay khách hàng quan trọng trong lĩnh vực thép xây dựng dù rằng nước này là nhà cung cấp thép hàng đầu cho khu vực Đông Nam Á.

Nhằm có những nhận định về xu hướng thị trường thép Việt Nam trước tác động của động đất Nhật Bản, phóng viên của Cafef đã có cuộc trao đổi phỏng vấn với ông Nguyễn Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

Theo ông Cường, động đất ở Nhật Bản về cơ bản ảnh hưởng không đáng kể đến thị trường thép xây dựng nước ta. Giá thép xây dựng trong nước sẽ không tăng bởi chúng ta hiện nhập khẩu từ Nhật chủ yếu ở các dòng sản phẩm thép cao cấp, thép đặc chủng, dùng trong trạm biến thế hay các sản phẩm cần khả năng chịu áp lực cao. Còn với thép xây dựng, vị trí địa lý cách xa cộng với giá thép Nhật Bản cao nên chúng ta không nhập khẩu thép thành phẩm mà chỉ nhập ít phôi thép.

Tuy nhiên ông Cường cho rằng, động đất Nhật Bản sẽ có ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nhật tại Việt Nam, làm giảm lượng thép tiêu thụ trong các dự án. Tiêu thụ thép cũng sẽ giảm bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ Việt Nam, kết hợp với việc rà soát các dự án không hiệu quả.

Cuối tuần trước, tổ chức ngoại thương Nhật Bản(Jetro) cho biết, một số doanh nghiệp trong khu vực Đông Bắc Nhật bị ảnh hưởng của thảm họa động đất đã hủy bỏ các chuyến tham quan đầu tư tại Việt Nam. Cơ quan này đồng thời cảnh báo, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam có thể giảm đi nếu sự hồi phục sau động đất, sóng thần đình trệ. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, cũng là 1 trong 5 đối tác thương mại hàng đầu, nhà cung cấp các khoản vay dễ dàng và các khoản viện trợ khác.

Về yếu tố Trung Quốc, theo ông Cường, chúng ta hiện chỉ nhập khẩu thép cuộn giá rẻ từ Trung Quốc, còn lại nhập khẩu thép xây dựng nhiều hơn ở các nước khu vực Đông Nam Á nhờ được ưu đãi với thuế suất bằng 0. Giá thép Trung Quốc dù có tăng vì Nhật Bản cũng sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Cường cũng cho biết, giá nguyên liệu đầu vào ngành thép đang có dấu hiệu chững lại, có thể coi là một tín hiệu tốt cho ngành xây dựng những tháng tới nhờ giá vật liệu ổn định. Thêm vào đó, lượng thép của các doanh nghiệp khá lớn và đủ phục vụ nhu cầu của thị trường.

Cafeland.vn - Theo Cafef
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.