Khi năm 2022 đang dần khép lại, bức tranh thị trường tài chính toàn cầu vẫn khó tìm được điểm sáng. Trong đó, không thể bỏ qua việc thị trường thép vẫn tiếp tục bị bủa vây giữa muôn trùng khó khăn.
Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi lạm phát dai dẳng, thắt chặt tiền tệ của Mỹ, sự giảm tốc kinh tế của Trung Quốc và hậu quả của việc xung đột Nga-Ukraine. Mặc khác, giá năng lượng cao, lãi suất tăng và nhu cầu giảm đã dẫn đến hoạt động của các ngành sử dụng thép chậm lại.
Nhiều nhà máy thép lớn trên thế giới đóng cửa, cắt giảm quy mô đã khiến sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 10/2022 sụt giảm đáng kể
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel) vừa công bố, sản lượng thép thô của 64 quốc gia trong tháng 10/2022 ở mức 147,3 triệu tấn, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng thép thô toàn cầu đạt gần 1.552,7 triệu tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ.
Số liệu của World Steel cho thấy, hầu hết các khu vực sản xuất thép lớn trên thế giới đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về sản lượng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, vẫn có một số khu vực lớn như Châu Á, Châu Phi hay Trung Đông ghi nhận sản lượng tăng mạnh.
Cụ thể, sản lượng thép trong tháng 10 của ở châu Á đạt 107,3 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau 10 tháng, khu vực này sản xuất được 1.145 triệu tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ.
Tương tự, các nước Trung Đông có sự tăng trưởng về sản lượng với 4 triệu tấn, tăng 6,7%. Châu Phi cũng ghi nhận tăng 2,3% trong tháng 10, ở mức 1,4 triệu tấn.
Cũng trong tháng 10/2022, khu vực EU đã sản xuất 11,3 triệu tấn thép thô, giảm 17,5%. Tính chung 10 tháng đầu năm, khu vực này sản xuất được 117 triệu tấn, giảm 9,2%.
Trong khi đó, Nga và các nước trong khu vực CIS đạt 6,7 triệu tấn, giảm tới 23,7%. Lượng thép trong giai đoạn 10 tháng đạt 72,6 triệu tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021 trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tại khu vực Bắc Mỹ, trong tháng 9, sản lượng thép thô đạt 9,2 triệu tấn, giảm 7,7%. Trong khi đó, sản lượng thép thô ở Nam Mỹ trong trong tháng này đạt 3,7 triệu tấn, giảm 3,2% so với cùng tháng năm trước.
Sản lượng thép Trung Quốc tăng 3 tháng liên tiếp
World Steel cho biết, sản lượng thép thô Trung Quốc trong tháng 10 đạt 80 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 861 triệu tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng thép Trung Quốc ghi nhận bật tăng 3 tháng liên tiếp
Thời gian qua, với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đang phục hồi nhờ các biện pháp của Chính phủ nước này được kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu thép đi lên vào cuối năm 2022.
Cùng xu hướng tăng trưởng về sản lượng còn có Ấn Độ với 10,5 triệu tấn trong tháng 10, tăng 2,7%. Iran ước tính đã sản xuất 2,9 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc không chỉ là một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới mà còn là nước tiêu thụ thép lớn nhất. Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ ở các đối tác của Trung Quốc đang chịu sức ép bởi các yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất tăng cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế, nên nhiều khả năng các nhà sản xuất thép sẽ phải tiếp tục cắt giảm sản lượng trong tháng 11.
Theo đó, các quốc gia sản xuất thép lớn như Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc... đều ghi nhận sự sụt giảm về sản lượng cũng như tiêu thụ trong giai đoạn này.
Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, Nhật Bản sản xuất 7,3 triệu tấn, giảm 10,6%; Mỹ sản xuất được 6,7 triệu tấn, giảm 9%; Nga ước tính đã sản xuất 5,8 triệu tấn, giảm 11,5%. Hàn Quốc sản xuất 5,1 triệu tấn, giảm 12,1%; Đức sản xuất 3,1 triệu tấn, giảm 14,4%; Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 2,9 triệu tấn, giảm 17,7%; Brazil sản xuất 2,8 triệu tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường thép trong nước chưa hết khó khăn
Sản xuất và tiêu thụ thép đang đối mặt với nhiều khó khăn khi sản lượng sụt giảm đáng kể trong những tháng gần đây và báo hiệu nhiều gập ghềnh trong những tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021; Bán hàng thép các loại đạt 1,9 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.
Sản xuất thép thành phẩm 10 tháng đầu năm 2022 đạt 25,3 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường thép trong thời gian qua liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn, tiêu thụ giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong bán hàng.
Trước những yếu tố bất lợi khách quan từ thị trường khiến nhiều công ty như Hòa Phát, Pomina hay Formosa đi đến quyết định khó khăn là đóng cửa lò cao, tái cơ cấu kinh doanh của mình.
Thời gian tới, nhiều VSA dự báo thị trường thép trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị ngành thép.
-
Bức tranh lợi nhuận kém sắc của ngành thép quý 3.2022
Từ các "ông lớn" Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều báo lỗ nặng, thậm chí lỗ kỷ lục trong quý 3.2022 khi ngành thép bước vào giai đoạn suy thoái mang tính chu kỳ.
-
Chuyện chưa từng có trong lịch sử đang xảy ra với quốc gia sản xuất thép lớn thứ hai thế giới
Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10/2024, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,7 triệu tấn thép thành phẩm sang Ấn Độ, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
-
Rà soát chống bán phá giá thép hình chữ H Trung Quốc: Kết quả mới nhất đã có
Quyết định mới của Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hình chữ H xuất xứ Trung Quốc ở mức 13,38%. Mức thuế này sẽ được áp dụng đến hết ngày 5/9/2027....
-
Một mặt hàng bị Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu, Việt Nam thu về 5,2 triệu USD khi xuất bán sang nước này
Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyester (Fine Denier Polyester Staple Fiber) nhập khẩu vào Mỹ.