Ông Vũ Kỳ Anh – Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng TNP từng chia sẻ: Có tới 60 – 70% vốn đầu tư cho các dự án BĐS là từ Ngân hàng hoặc tư các tổ chức tín dụng. Điều này có nghĩa việc thị trường BĐS đóng băng cũng đồng nghĩa với việc các NH hay tổ chức tín dụng cũng gặp… khó trong khâu thu hồi vốn.
Mới đây, trong Hội nghị “Tác động của thị trường bất động sản (BĐS) lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách” do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức ngày 18/8, tại Hà Nội, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết: Dư nợ BĐS đến tháng 6/2011 khoảng 245.000 tỉ đồng, tương đương với 10% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong bối cảnh thị trường BĐS đóng băng, nợ xấu BĐS chiếm khoảng 3% tổng dư nợ lĩnh vực này, trong đó, đáng chú ý là nợ thuộc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) khoảng 40%. Tín dụng BĐS tại thị trường TP HCM và Hà Nội với tỉ lệ tương ứng là 45% và 18% tổng dư nợ BĐS. Đáng chú ý, tín dụng BĐS Việt Nam tập trung ở các ngân hàng nhỏ, một số ngân hàng có tỷ trọng dư nợ BĐS chiếm tới 30 – 40%.
Con số này cho thấy tỉ lệ rủi ro là khá cao, trong khi các ngân hàng quản lý rủi ro đối với BĐS khá yếu kém, hệ số rủi ro 250% cũng không ngăn ngừa được rủi ro này và việc định giá BĐS thấp với tỉ lệ 50 – 70% chỉ có tác dụng phòng ngừa nhất định trong điều kiện bình thường. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào BĐS giảm mạnh, vốn đăng ký từ mức 26,6 tỉ USD năm 2008 xuống 6,84 tỉ USD năm 2010 và 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 305 triệu USD.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Nếu coi thị trường BĐS là lĩnh vực phi sản xuất và ngừng cho vay vốn thiếu linh hoạt, sẽ gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, thiệt hại đến các ngành sản xuất trực tiếp và bất ổn cho hệ thống ngân hàng. Việc hạn chế dòng tiền đổ vào BĐS nhằm kiềm chế lạm phát là cần thiết, nhưng cần có giải pháp phù hợp để thị trường phát triển ổn định, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác cùng phát triển.
“Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2011 của Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị, trước mắt cần thực hiện kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt để tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS với các biện pháp: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ không tăng tỷ trọng tín dụng BĐS nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng BĐS; Sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở quy định của pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng; nghiên cứu thành lập mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà; Có quy định để bảo đảm vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS được đầu tư theo số vốn đăng ký, như quy định tỉ lệ hoàn thành công trình cao hơn mới được huy động vốn…”, ông Nguyễn Trần Nam nói.