Hàng tỷ đôla tồn trong bất động sản
Theo thống kê, Hà Nội đang tồn khoảng 40.000 căn hộ. Ở TP HCM con số này là 20.000 căn hộ, nâng mức tồn cả nước lên tới 60.000 căn. Một chuyên gia kinh tế làm phép tính, nếu đơn cử 1 tỷ đồng mỗi căn hộ thì số tiền 'chôn' trong bất động sản lên tới 60.000 tỷ đồng, tương đương với 2,86 tỷ đôla.
Một nghiên cứu thuộc Dragon Capital cũng cho thấy, cả TP HCM và Hà Nội mỗi nơi có khoảng hơn 35.000 căn hộ tồn kho. Giả dụ giá trị mỗi căn hộ chỉ là 1 tỷ đồng, thấp xa so với mức giá đã được bán trong 2-3 năm trước thì lượng vốn bị tồn kho ở đây đã lên đến 70.000 tỷ đồng, còn nếu mức giá là 2 tỷ đồng thì số vốn bị “chôn” lên tới 140.000 tỷ đồng.
Thống kê dựa trên báo cáo tài chính cũng cho thấy, hàng tồn kho của 26 công ty địa ốc niêm yết trong 6 tháng đầu năm lên tới hơn 36.000 tỷ đồng. Thậm chí có doanh nghiệp còn ế tới 500 căn hộ, nợ vay khoảng 1.000 tỷ đồng và phải chịu áp lực lãi suất vay rất lớn.
Tồn kho trong bất động sản trở thành một vấn đề nhức nhối khiến vừa qua Bộ Xây dựng vừa đề nghị các Sở Xây dựng báo cáo về thực trạng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hàng tồn kho cũng như nợ xấu được coi là cục máu đông rất nguy hại cho lưu thông kinh tế. Ôm một khói lượng hàng tồn kho, doanh nghiệp sẽ không thu được vốn, trả nợ ngân hàng.
Những con số về hàng tồn bất động sản được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Ảnh: Vũ Lê
Địa ốc chịu áp lực thoái vốn
Nếu cuối tháng 8 nhà đầu tư mua dự án Ngọc Phương Nam, Vạn Hưng Phát (quận 8) đòi lại tiền thì đầu tháng 9, đến lượt khách mua căn hộ Petroland, quận 2 đề nghị rút vốn do dự án chậm tiến độ.
Bên cạnh làn sóng khách hàng đua nhau rút tiền vì dự án đình trệ, bất động sản còn đón thêm thông tin nhiều doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài ngành này đang tìm cách thu xếp lại dòng vốn. Ngày 6/9, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex công bố thoái phần lớn vốn tại một số đơn vị thành viên. Theo đó, Vinaconex quyết định thoái vốn 51% tại Công ty Xây dựng Số 3, toàn bộ 24% vốn tại Vinaconex - VCN và 15% trong số 51% vốn góp tại Công ty Vinaconex 6.
4 ngày sau, Công ty Toàn Thịnh Phát công bố sẽ thoái hết vốn khỏi Công ty đại ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal - SCR).
Các nhà đầu tư từ cá nhân cho tới tổ chức đua nhau thoái vốn khiến doanh nghiệp bất động sản chịu thêm nhiều áp lực trong bối cảnh bản thân họ đã rất thiếu vốn, khó tiếp cận ngân hàng. Không ít trường hợp đã phải vội vàng cắt lỗ, xả hàng tồn kho để tranh nhau thu hồi tiền mặt càng nhanh càng tốt.
Thêm một loạt đề xuất để cứu bất động sản
Mới đây, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng vừa đề nghị nới lỏng chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bất động sản... Đặc biệt, cơ quan này nhấn mạnh đề xuất giảm một nửa thuế VAT (xuống còn 5%) cho người mua nhà ở chung cư thương mại bình dân nhằm kích cầu thị trường.
Các cơ quan, bộ ngành lại đề xuất một loạt giải pháp để giải cứu thị trường bất động sản. Ảnh: Hoàng Lan
Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo diễn ra vừa qua, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi trồng chờ các giải pháp từ phía Nhà nước. Ông Nam cho biết, cách đây 3 năm, ông đã từng cảnh báo về những căn hộ cao cấp và nay thị trường đã phải lãnh đủ, do đó, để muốn tồn tại, doanh nghiệp phải tự tìm hướng đi riêng cho mình.
Bàn về các giải pháp để cứu bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM cũng cho rằng trong lúc này nghiên cứu chẻ nhỏ căn hộ diện tích lớn có thể trị được căn bệnh tồn kho cho thị trường. Theo cơ quan này, một trong những giải pháp có thể xem xét là chia nhỏ diện tích căn hộ từ 80-100 m2 xuống còn 45-55 m2 để giá bán phù hợp với túi tiền của người dân....
Bùng nổ kiện cáo nhà đất thời khủng hoảng
Nhiều dự án ở Hà Nội và TP HCM chậm tiến độ, thậm chí đình trệ trong một thời gian dài là nguyên nhân bùng phát tranh chấp, kiện cáo giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Đầu tháng 9 hàng chục khách hàng mua dự án Good House treo băng rôn đòi nhà, doanh nghiệp mới gặp khách hàng. Những khách hàng mua dự án căn hộ Good House Apartments (chung cư Trương Đình Hội) do Công ty cổ phần Lê Minh M.C làm chủ đầu tư cũng đóng đến 85% giá trị căn hộ hơn 100 m2, xấp xỉ một tỷ đồng mà chưa được bàn giao. Dự án khởi công tháng 1/2009, dự kiến bàn giao vào tháng 6/2011, đến tháng 8/2012 công trình vẫn ngổn ngang.
Tại Hà Nội, cùng thời gian trên, hơn 20 người dân đã tập trung tại dự án Văn phòng Làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp (52 Lĩnh Nam- Hoàng Mai - Hà Nội) của Công ty cổ phần Lilama Hà Nội để yêu cầu chủ đầu tư giải thích rõ về việc tòa nhà chậm tiến độ. Ngoài ra, khách hàng còn tố chủ đầu tư vi phạm hợp đồng khi điều chỉnh diện tích căn hộ tăng thêm 4-10 m2, thậm chí có trường hợp tăng thêm 34 m2.
Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, các hiện tượng tranh chấp, kiện tụng trong chung cư trước đây vẫn "âm thầm" diễn ra. Tuy nhiên, trước kia, tâm lý khách hàng thường e dè, ngại va chạm, nên họ chấp nhận chịu thiệt và không công khai tố chủ đầu tư. Còn trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay, vai trò của người mua và người bán đã đảo ngược.