Những tưởng sau Tết Nguyên đán, dòng vốn nhàn rỗi quay trở lại ngân hàng sẽ giúp mặt bằng lãi suất tiền gửi hạ nhiệt, về đúng trần lãi suất huy động theo quy định của NHNN. Thế nhưng từ đầu tháng 2, tình trạng lách trần lãi suất huy động vốn của các NHTM vẫn diễn ra quyết liệt, khiến kỳ vọng giảm lãi suất cho vay khó có thể đạt được.

Trăm “chiêu” hút vốn


Sau tết, dù tình hình thanh khoản của các NHTM ít căng thẳng hơn, nhưng lãi suất vẫn chưa hạ xuống theo quy định của NHNN. Điều này dẫn đến những ngân hàng trước nay tuân thủ trần lãi suất cũng buộc phải tính đường lách luật để giữ vốn.


Theo quy định tại Thông tư 02 của NHNN nếu huy động với mức 14%/năm trả lãi cuối kỳ, các NHTM không được tiến hành bất cứ một chương trình khuyến mại bổ sung nào.


Thị trường lãi suất: Nóng đầu vào, khó giảm đầu ra
Khách hàng giao dịch tại HDBank. Ảnh: LÃ ANH

Nói cách khác, lãi suất cộng khuyến mại không được vượt quá 14%/năm. Nhưng thực tế từ đầu năm đến nay các NHTM rầm rộ chạy đua khuyến mại qua nhiều hình thức như quay số trúng thưởng, cào trúng thưởng, tặng quà có giá trị… và nếu cộng dồn hầu hết đều huy động vượt trần lãi suất.


Nếu trước đây một chương trình khuyến mại chỉ đưa ra một cơ hội may mắn cho khách hàng, nay trong một chương trình với một món tiền gửi khách hàng có nhiều cơ hội trúng nhiều giải thưởng. Đây là những chương trình khuyến mại mang tính chất may rủi nhưng thực tế với những khách hàng gửi số tiền lớn, cơ hội trúng các giải thưởng gần như chắc chắn.


Theo thống kê của ĐTTC, hiện nay một ngân hàng có ít nhất 1-2 chương trình khuyến mại và khách hàng gửi tiền sẽ trúng ít nhất giải thưởng kép từ các chương trình này. Thí dụ, khách hàng gửi 500 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng, ngoài lãi suất 13,97%/năm, sẽ được nhận ngay phiếu mua hàng siêu thị trị giá 1,2 triệu đồng.


Sau đó, khách hàng được bốc thăm trúng thưởng giải thưởng ít nhất 300.000 đồng. Thậm chí chương trình khuyến mại này chỉ áp dụng cho tháng gửi đầu tiên, nhưng đến tháng thứ 2 khách hàng chuyển sang tên người khác sẽ được nhận thêm khuyến mại mới.


Ngoài ra, hàng loạt các NHTM đều đưa ra các chương trình khuyến mại với nhiều cơ hội trúng thưởng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng với tổng giá trị hàng tỷ đồng. Các NHTM giải thích chương trình khuyến mại đầu xuân không chỉ nhằm hút vốn mà còn là hình thức giúp khách hàng gắn bó lâu dài với ngân hàng.


Điều này còn xuất phát từ việc nếu duy trì mặt bằng lãi suất giống nhau, tất yếu dòng tiền sẽ đổ vào ngân hàng lớn. Do vậy, dù thanh khoản đã bớt căng thẳng nhưng nhiều NHTM nhỏ “đi trước đón đầu” đã tung ra hàng loạt chương trình hút vốn để tránh tình trạng “trâu chậm uống nước đục”.


“Sau khi 3 NHTM nhỏ hợp nhất và thực hiện hoạt động huy động, chi trả tiền gửi bình thường, đến nay người dân đã an tâm và không còn có tâm lý lo sợ ngân hàng phá sản. Vì vậy thời điểm này người dân cũng sẽ chọn NHTM có lãi suất và chương trình khuyến mại hấp dẫn để gửi tiết kiệm chứ không nhất thiết là NHTM lớn, có uy tín. Đó là lý do vì sao các NHTM lớn, nhỏ đua nhau khuyến mại để giữ khách hàng” - một lãnh đạo ngân hàng phân tích.


Rào cản đầu ra


Số liệu từ NHNN cho biết trong 2 tuần giáp tết, NHNN đã bơm ròng 71.000 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO), nhưng chủ yếu là kỳ hạn ngắn nên sau tết cũng đã hút về 57.000 tỷ đồng. Dù lượng tiền gửi của các NHTM vài ngày gần đây đã có dấu hiệu khả quan hơn nhưng thực tế thanh khoản của các NHTM nhỏ vẫn chưa được xử lý dứt điểm, bởi “căn bệnh” mất cân đối giữa kỳ hạn huy động và cho vay.


Mới đây Thống đốc NHNN thừa nhận bên cạnh lạm phát, vấn đề thanh khoản của các ngân hàng nhỏ đang là trở lực lớn trong lộ trình hạ lãi suất còn 10%/năm trong năm 2012. Để giải quyết tình trạng này, NHNN đang tập trung xử lý thanh khoản các tổ chức tín dụng nhằm tạo nền tảng vững chắc giảm lãi suất.


Sau tết, tình hình thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) không quá căng thẳng, dòng vốn đã dồi dào hơn, theo đó lãi suất trên thị trường 2 cũng hạ nhiệt so với trước đây. Điều này sẽ hỗ trợ thanh khoản các NHTM và góp phần kéo giảm mặt bằng lãi suất xuống trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay NHTM nhỏ vẫn không dễ vay trên thị trường 2 do yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Hơn nữa, lãi suất cho vay trên thị trường 2 vẫn phổ biến từ 19%/năm, cao hơn trần lãi suất huy động nên NHTM nhỏ không có tài sản thế chấp khi gặp khó về thanh khoản buộc phải lách luật, huy động vốn vượt trần.

Ông PHẠM THIỆN LONG ,
Phó Tổng giám đốc HDBank

Điều hiển nhiên chỉ khi lãi suất tiền gửi giảm, lãi suất cho vay mới giảm. Hiện nay lãi suất huy động vẫn cao và khách hàng tiền gửi vẫn “trả giá” lãi suất tiền gửi, lộ trình giảm lãi suất chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn.


Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc OCB, cho rằng trong tháng 2 này lãi suất cho vay chưa thể giảm được nhiều vì giá vốn của các NHTM vẫn còn cao. Thời điểm này, các NHTM cũng đang cơ cấu lại đối tượng khách hàng cho vay theo hướng chọn lọc nên việc giảm lãi suất chưa phải là ưu tiên.


Hiện tại lãi suất cho vay doanh nghiệp vẫn đang quanh mức 20-22%/năm. Bản thân các NHTM cũng muốn giảm lãi suất đầu ra, bởi với lãi suất cao doanh nghiệp khó vay, ngân hàng càng gặp khó. Với tình hình thị trường hiện nay, doanh nghiệp tốt không muốn vay vốn, bởi càng vay nhiều lợi nhuận càng sụt giảm.


Nhiều doanh nghiệp đã hạn chế vay vốn mà chủ động cấu trúc lại cơ cấu tài chính và quản trị kinh doanh để đối phó với thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp khó khăn chấp nhận vay theo kiểu “phóng lao phải theo lao” chẳng khác nào “uống thuộc độc”, kéo theo tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tín dụng rất lớn cho hệ thống ngân hàng.


Giải pháp kéo giảm lãi suất?


Có nhiều ý kiến bức xúc trước việc các NHTM lách trần lãi suất nhưng NHNN vẫn chưa có động thái xử lý mạnh tay như trước đây. Dư luận hoài nghi, phải chăng dù biết việc các ngân hàng lách trần lãi suất nhưng NHNN vẫn làm ngơ? Bởi lẽ trong cuộc đua huy động, các NHTM nhỏ sẽ nhanh chóng lộ rõ điểm yếu của mình, khi đó NHNN dễ dàng xử lý và mạnh tay lên phương án “chữa bệnh”?


Muốn kéo giảm lãi suất không thể chỉ giải quyết bằng cách xử lý hành chính mạnh tay ngân hàng vượt trần, mà phải giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống NHTM. Theo đó, NHNN không chỉ bơm tiền để giải quyết thanh khoản cho các NHTM gặp khó khăn mà cần giám sát chặt dòng tiền này, để đảm bảo sự hỗ trợ đúng mục đích thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thay vì dùng vốn đảo nợ cho những hợp đồng tín dụng bất động sản trước đây. Ngoài ra, NHNN cần có giải pháp khai thông dòng vốn giữa NHTM lớn sang NHTM nhỏ, bởi hiện nay nợ xấu trên thị trường 2 vẫn chưa giải quyết triệt để nên các NHTM lớn e ngại cho vay các NHTM nhỏ. Điều này dẫn đến tình trạng tắc nghẽn dòng vốn và lãi suất khó giảm.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát
tài chính Quốc gia

Theo ThS. Phan Thanh Hải, chuyên gia ngân hàng, các NHTM hiện nay khôn khéo hơn trong việc lách lãi suất. Khi việc lách thông qua lãi suất bị NHNN khống chế, các NHTM chi tiền mặt thông qua khuyến mại, đồng thời mua hóa đơn để hạch toán vào các chi phí tiếp khách, nhất là trong tháng giêng khi các NHTM còn “room” chi phí tiếp khách lớn.


Ngoài ra có ngân hàng có hạch toán qua vàng như lỗ bên kinh doanh vàng và ngoại hối. Tuy nhiên nếu NHNN muốn “bắt giò” không khó, vấn đề là có quyết tâm xử lý mạnh tay và triệt để hay không.


Trong cuộc họp Chính phủ mới đây, đại diện NHNN cho hay mức lạm phát giữ như hiện nay là tiền đề tốt để ngân hàng có thể hạ lãi suất trong thời gian tới. Hiện nay, NHNN vẫn chưa giảm lãi suất vì phải tính cân đối thời điểm để đảm bảo hài hòa lạm phát và tăng trưởng.


Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, nếu tính lãi suất theo lạm phát thì xu hướng thời gian tới chắc chắn lãi suất sẽ giảm. Nhưng lạm phát tháng 1 chưa tính hết độ trễ của tháng tết, do vậy cũng cần thời gian mới kéo giảm dần lãi suất. Vấn đề hiện nay là NHNN cần bịt những kẽ hở mà các NHTM có thể lợi dụng để lách, tăng lãi suất huy động và tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực không khuyến khích.


Nếu không lập lại trật tự, hoạt động của các NHTM sẽ bị phá vỡ. Theo đó, vì mục tiêu lợi nhuận, các NHTM sẽ đua nhau đẩy lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng cao, khiến chi phí sản xuất tăng vọt, giá thành leo thang, doanh nghiệp suy kiệt làm khó kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng.

Theo Thanh Như (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh