17/02/2012 3:23 PM
Nếu Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung châu Âu, đồng euro có thể hạ khoảng 10% so với đồng USD, ngoài ra, biến động trên TTCK có thể tăng thêm 25%.

Thêm một tuần nữa trôi qua mà không có một giải pháp nào được chốt đối với gói giải cứu của Hy Lạp.

Các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đang xem xét đến trường hợp xấu nhất dành cho Hy Lạp dù Hy Lạp trong ngày thứ Năm đã tuyên bố sẽ có thể đạt đến thỏa thuận với Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khu vực đồng tiền chung về thỏa thuận hoán đổi nợ với trái chủ.

Nếu Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung châu Âu, đồng euro có thể hạ khoảng 10% so với đồng USD, ngoài ra, biến động trên thị trường chứng khoán có thể tăng thêm 25%, theo công ty quản lý rủi ro SunGard APT.

Và sau Hy Lạp, sẽ đến lượt Bồ Đào Nha rời khu vực đồng tiền chung và sự ra đi của Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục tác động xấu đến khu vực đồng tiền chung.

Ông Laurence Wormald, trưởng bộ phận nghiên cứu tại SunGard, chỉ ra: “Dù thị trường có tăng điểm, tôi không nghĩ các yếu tố căn bản đã thay đổi và mọi chuyện đều đang chịu sự chi phối của chính trị.” Ông khẳng định thị trường thực ra đã tính đến khả năng Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung.

Dù các chính trị gia thuộc khu vực đồng tiền chung khẳng định họ muốn giữ Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sau khi chương trình tái cấp vốn của ECB giúp vực dậy hệ thống ngân hàng, nhiều chuyên gia phân tích tin sự ra đi của Hy Lạp sẽ không quá quan trọng như trước.

Ông Erik Neilsen, chuyên gia kinh tế trưởng tại UniCredit, phát biểu với CNBC: “Miễn các Ngân hàng Trung ương chịu khó hành động, vấn đề nợ sẽ không bùng phát. Nếu Hy Lạp vẫn còn tồn tại trong khu vực đồng tiền chung, lĩnh vực công sẽ phải tái cơ cấu nợ. Con số nợ quá lớn.”

Sự khác biệt về quan điểm giữa chính trị gia Đức, hiện đang đứng đầu phía đàm phán của khu vực đồng tiền chung, với Hy Lạp, đã lớn hơn trong tuần này.

Một số chuyên gia kinh tế khẳng định gói thắt chặt chi tiêu dành cho Hy lạp sẽ không mang đến tăng trưởng cần thiết để giảm tỷ lệ nợ/GDP.

Theo Minh Ngọc (Cafef/TTVN/Bloomberg,Reuters)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.