Không hy vọng nhiều vào dòng tiền dồi dào cho TTCK cuối năm, nhưng cũng khó siết chặt thêm bằng chính sách tiền tệ. Về dài hạn với lạm phát, cần xem xét chính sách tài khóa.

Con số lạm phát tháng 10 đã được công bố với mức tăng 1,05%. Như vậy nhiều khả năng mục tiêu lạm phát 8% cho năm 2010 sẽ không thực hiện được. Theo ước tính, nếu 2 tháng còn lại lạm phát trung bình là 1%, thì lạm phát cả năm sẽ ở mức 9,7%. Tính chung lại, lạm phát cho năm 2010 xung quanh con số 10% có xác suất khá cao do khả năng lạm phát trung bình của 2 tháng với mức tăng cỡ 1%/tháng là dễ xảy ra.

Khác với thời điểm cách đây 2 tháng, nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ có diễn biến bình thường và các tháng cuối năm cũng có mức tăng thấp. Tuy nhiên bất ngờ là các diễn biến như tăng tỷ giá, lũ lụt Miền Trung, tổ chức đại lễ v.v… đã làm cho chỉ số giá có mức tăng nhanh trở lại và mối lo về CPI đã quay trở lại với nhà đầu tư.

Theo Ông Tống Minh Tuấn, Trưởng nhóm phân tích vĩ mô Cty CK Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam - BSC, cho rằng bản chất của đợt tăng CPI lần này là chi phí đẩy, và những lo ngại về CPI đã được phản ánh vào thị trường. Ông Tuấn phân tích:

Yếu tố tiền tệ vẫn bảo đảm sự thắt chặt cần thiết và không có dấu hiệu nới lỏng gây lạm phát. Nếu là chi phí đẩy, mức tăng của lạm phát có thể chỉ xảy ra trong một chu kỳ ngắn (thông thường là ngắn hơn nhiều so với lạm phát từ yếu tố tiền tệ) và không trở thành “một chu kỳ đáng sợ” như đã từng xảy ra vào các năm trước.

Bên cạnh đó, gần đây đồng USD và Nhân dân tệ đều tăng cao so với VND, khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, và xu thế này cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh tiếp tục gây áp lực lên lạm phát 2 tháng cuối năm.

Để giảm lạm phát, Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp siết chặt thêm tiền tệ, và như vậy hi vọng về một dòng tiền dồi dào hơn với TTCK trở nên khó khả thi trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Nhưng xét bản chất vấn đề hiện nay thì nguyên nhân chính của lạm phát nằm ở chi phí đẩy, và có thể còn do các yếu tố liên quan tới chính sách tài khóa chưa hiệu quả như đầu tư tràn lan, đầu tư công lớn, chỉ số ICOR cao v.v… Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để giảm lạm phát về dài hạn, có lẽ các chính sách tài khóa sẽ được xem xét điều chỉnh chứ không hẳn là cứ phải sử dụng các chính sách tiền tệ thắt chặt.

Lãi suất vẫn rất cao và khó có thể thắt chặt bằng việc đẩy lãi suất lên cao nữa. Chính vì thế, các nhà đầu tư cũng không nên quá quan ngại vào sự khó khăn của nguồn tiền trong thời gian tới tác động bởi yếu tố thắt chặt tiền tệ.

Diễn biến thị trường thời gian qua dường như đã bị ảnh hưởng và phản ánh vào mức giá ngay cả khi kết quả về lạm phát tháng 10 chưa công bố, bởi nhà đầu tư đã phần nào hình dung một mức lạm phát cao kể từ khi thấy hàng loạt các yếu tố bất lợi lên giá tiêu dùng. Vì vậy gần như thị trường đã phản ánh gần hết “cái xấu” của tin tức CPI với mức giá hiện nay.

Chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng, các nhà đầu tư cũng nên nhìn nhận với tình hình hiện nay, mức 8% theo kế hoạch là gần như không thể đạt được. Tuy vậy mức 8% này cũng chỉ là một mốc, và cũng không nên có ý nghĩ ép buộc rằng, “room” tăng đến cuối chỉ còn 0,42% (lạm phát 10 tháng đạt 7,58%).

Lạm phát có thể đạt mức xấp xỉ 10% cho năm 2010 cũng không phải là quá xấu, nếu nó đi kèm với các kết quả hợp lý khác như tăng trưởng, sức khỏe doanh nghiệp v.v… Bởi suy cho cùng, 8% hay 10% cũng là cái mốc đặt ra, và không nên quá phụ thuộc vào những cái mốc đó mà quên đi những vấn đề khác.

Cafeland.vn - Theo Hoàng Hà (Cafef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland