CafeLand – Nhiều người kỳ vọng những dự án được đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, làm thay đổi diện mạo và tạo nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Thành phố 4 tỉ USD ở Hà Nội

Đầu tháng 5, UBND TP Hà Nội đã nhận được hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư thành phố thông minh của các nhà đầu tư Việt Nam – Nhật Bản. Bốn nhà đầu tư Việt Nam gồm Công ty cổ phần tập đoàn BRG, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Phú Cường, Công ty TNHH Motor NA Việt Nam và Công ty cổ phần dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội liên danh cùng nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo Corporation.

Theo đề xuất, dự án có quy mô 271,82ha, nằm trên địa bàn các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối huyện Đông Anh. Số vốn đầu tư đăng ký dự án khoảng 94.348 tỉ đồng (tương đương 4,138 tỉ USD). Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là 14.260 tỉ đồng (625,4 triệu USD), nhà đầu tư Nhật góp 50%, còn lại là các nhà đầu tư Việt Nam.

Các nhà đầu tư đề xuất thành lập 5 công ty để thực hiện 5 dự án thành phần, dự kiến khởi công trong năm nay và kết thúc vào năm 2030, với thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án thành phần số 1 có quy mô khoảng 73ha, sẽ thực hiện từ năm 2018 - 2020 với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỉ đồng. Bốn dự án thành phần còn lại sẽ lần lượt triển khai sau đó.

Trước đó, thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài giữa UBND TP Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo được ký kết vào tháng 6/2017 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tại phía Bắc Hà Nội (đoạn hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp), thuộc đồ án quy hoạch hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài.

Dự án Eco Smart City Thủ Thiêm

Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đang chuẩn bị hoàn thành thủ tục để có thể khởi công xây dựng dự án Eco Smart City Thủ Thiêm vào dịp kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam 2/9/2018.

Dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng 2A (thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm) có tổng diện tích 7,45ha, với tổng vốn đầu tư 20.100 tỉ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng). Nguồn vốn do nhà đầu tư thu xếp, thời gian xây dựng công trình dự kiến là 72 tháng và khai thác trong thời gian 50 năm.

Được biết, Tập đoàn Lotte đã nghiên cứu, tìm hiểu thông tin dự án từ năm 2009, đến năm 2013 đã đề xuất đầu tư thực hiện dự án. Để được chọn là nhà đầu tư, vào tháng 8/2015, tập đoàn này đã chấp nhận ký quỹ và đóng khoảng 2.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Vào cuối tháng 4/2017, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn liên danh nhà đầu tư gồm 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte gồm Công ty Lotte Asset Development, Công ty Lotte Shopping, Công ty Lotte Hotel và Công ty Lotte Engineering and Construction làm nhà đầu tư thực hiện dự án. Đây là khu phức hợp thông minh, gồm các khu thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng trên diện tích khoảng 5,12ha. Trong đó có chức năng tài chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong khu lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

50 tỉ USD đầu tư vào Bắc Vân Phong

Mới đây, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) và các nhà đầu tư đến từ Úc, Hàn Quốc đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa để trình bày phương án đầu tư với mục tiêu đưa Bắc Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch của ASEAN.

Các nhà đầu tư cam kết có thể rót khoảng 50 tỉ USD để đầu tư xây dựng Bắc Vân Phong với các hạng mục như khu vực du lịch, thành phố thông minh, khu dân cư và công nghiệp, sân bay, đường bộ, khu vực cảng. Bắc Vân Phong sẽ có khu phức hợp có casino, sân golf, quần thể du lịch với cảng du lịch có thể tiếp nhận các tàu lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó còn có các khu dân cư công nghiệp công nghệ cao, cơ sở giáo dục, y tế, hạ tầng xã hội hiện đại, thông minh.

Về cơ sở hạ tầng như năng lượng, viễn thông, giao thông, hệ thống cung cấp nước sẽ được đầu tư với kinh phí từ 3 - 10 tỉ USD, sân bay khoảng 5 tỉ USD, cảng nước sâu với dịch vụ vận tải hàng hải và đường khoảng 5 tỉ USD, các dịch vụ phục vụ cho cảng sẽ có vốn đầu tư khoảng 3 tỉ USD.

Trước đó, vào đầu tháng 4, Tập đoàn IPP cũng đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh đầu tư khu phi thuế quan tại đặc khu kinh tế Vân Đồn, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2023.

Ba siêu dự án tại Vân Đồn

Liên danh 3 nhà đầu tư là Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hải Đăng, Công ty đầu tư và phát triển Sunny World đề xuất đầu tư 3 siêu dự án với tổng số vốn lên đến 15 tỉ USD tại Vân Đồn, Quảng Ninh. Nhà đầu tư cam kết xây dựng các dự án theo quy hoạch tổng thể và nhấn mạnh sự phát triển độc đáo và giá trị thương mại của đặc khu.

Khu đô thị phức hợp phía Bắc đảo Cái Bầu sẽ là khu dân cư mới kết hợp chức năng thương mại dịch vụ, được kết nối với sân bay Vân Đồn, nhà ga xe lửa và dự án Con đường di sản ở bờ Nam. Dự án khu đô thị phức hợp này có tổng diện tích khoảng 5.000ha.

Dự án Khu đô thị công nghiệp, cảng nước sâu Hòn Nét - Con Ong có quy mô 500ha, với tổng mức đầu tư 1,2 tỉ USD và sẽ được xây dựng theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu là một bến cảng đa năng dài 350 - 400m, có thể đón tàu 150.000 tấn và xà lan.

Dự án đầu tư đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái - Vân Đồn có chiều dài khoảng 100km, kết nối khu vực cửa khẩu Móng Cái đến Vân Đồn với ga trung tâm tại Khu đô thị phức hợp phía Bắc đảo Cái Bầu; kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia, vận chuyển hàng hóa và hành khách.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã thống nhất cho liên danh nhà đầu tư nghiên cứu chính thức 3 dự án trên và sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng sớm lên lộ trình thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện dự án; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm; tư vấn với liên danh nhà đầu tư về phương thức đầu tư có tính khả thi, đảm bảo theo luật pháp của Việt Nam.

Hiện nay, Vân Đồn đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Cụ thể, Tập đoàn Sun Group với dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỉ đồng và dự án khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino có tổng vốn đầu tư trên 46.500 tỉ đồng. Tập đoàn CEO làm dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City có quy hoạch trên tổng diện tích 94ha, với mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, Vân Đồn còn có các dự án du lịch lớn như Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Villas có tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỉ đồng của Tổng công ty Viglacera, dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC nghiên cứu với tổng vốn đầu tư 46.000 tỉ đồng…

Bên cạnh đó là những dự án đón đầu vào các đặc khu kinh tế được dự báo khi hoàn thành sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản cũng như kinh tế, xã hội của địa phương.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.