07/03/2015 7:43 PM
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2015, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ tiếp tục đà hồi phục, tuy nhiên vẫn còn một số rủi ro cần phải quan tâm.
Theo nhận định của các chuyên gia thị trường BĐS còn nhiều rủi ro cần phải quan tâm. Ảnh: Nguyễn Huế

Nhận định về thị trường BĐS năm 2015, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, thị trường BĐS năm 2015 sẽ tiếp tục đà hồi phục mạnh hơn trên tất cả các phân khúc thị trường.

Trong đó phân khúc chủ đạo vẫn là thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ giá bán trên dưới 1 tỷ đồng và rộng hơn là từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống. Đồng thời phân khúc dự án cao cấp, văn phòng cho thuê, BĐS thương mại, dịch vụ tiếp tục tạo ra những điểm sáng tích cực. Thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) cũng sẽ phát triển mạnh.

Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lí nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, thị trường BĐS trong năm 2015 sẽ tiếp tục tăng trưởng, lượng giao dịch tiếp tục tăng, giá cả ổn định. Lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm.

Đối với những dự án có tiến độ thi công tốt, hạ tầng tương đối và không quá xa trung tâm, đi lại thuận tiện sẽ tiếp tục tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, tốc độ giải quyết hàng tồn kho sẽ chậm hơn trước vì tồn kho hiện nay chủ yếu là các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa có, các căn hộ diện tích lớn. Xu hướng mua bán sáp nhập các dự án tiếp tục tăng.

Các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn sẽ tiếp tục quá trình mua bán, điều chỉnh dự án cho phù hợp, nhiều dự án gặp khó khăn về vốn đầu tư sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại, thay vì đi xin cấp dự án mới. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS sẽ gia tăng. Nhiều dự án trước kia tạm dừng sẽ được khởi động trở lại để giao nhà cho khách hàng đã mua. Những dự án đủ điều kiện, có vị trí tốt sẽ được khởi công, góp phần tăng nguồn cung những căn hộ phù hợp nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh những thuận lợi, các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường BĐS trong năm 2015 vẫn còn nhiều rủi ro. Theo ông Lê Hoàng Châu, khó khăn của năm 2015 vẫn là phải giải quyết hàng tồn kho, nhất là hàng tồn kho cao cấp, nợ xấu để giúp tái cấu trúc thị trường BĐS ổn định, bền vững, tái cấu trúc DN và tái cơ cấu đầu tư, sàng lọc các DN yếu kém, làm ăn theo kiểu chụp giật, “tay không bắt giặc”, tạo sân chơi minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh và lành mạnh.

Ngoài ra, liên quan đến cơ chế, chính sách cho thị trường BĐS, theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, Luật Đất đai 2013 vẫn còn có một số chế định gây quan ngại cho DN, điển hình là tiền sử dụng đất sẽ tiếp tục là một ẩn số và là một gánh nặng của nhà đầu tư. Bên cạnh đó có một số chế định mới làm tăng chi phí trong cơ cấu giá thành BĐS như chi phí ký quỹ và chi phí bảo lãnh BĐS hình thành trong tương lai. Đây là 2 yếu tố hoàn toàn mới trong cơ cấu giá thành BĐS mà cuối cùng người tiêu dùng sẽ gánh chịu khi mua nhà.

Liên quan đến những rủi ro của thị trường BĐS trong năm 2015, trong một hội thảo về kinh doanh BĐS tổ chức gần đây tại TP.HCM, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng thị trường BĐS vẫn còn một số rủi ro cần phải quan tâm. Trong đó, rủi ro lớn nhất vẫn là tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng và giữa các DN với nhau.

Theo công bố của các ngân hàng thương mại, đầu năm 2015, các ngân hàng đã giảm được khoảng 30% nợ xấu, tuy nhiên, trên thực tế, số nợ xấu trên mới chỉ được “nhốt lại” bằng việc gia hạn tái cấu trúc, biến nợ ngân hàng thành nợ nhà và mua về để ở Công ty xử lí nợ xấu... Mặc dù thông qua các biện pháp đó cũng đã góp phần tạo ra giải pháp nhất định giữa DN và ngân hàng trong quan hệ tín dụng, nhưng thực tế là cục nợ xấu vẫn còn đó với khối lượng rất lớn. Đây là nút thắt quan trọng nhất và phức tạp nhất của thị trường BĐS.

Bên cạnh nợ xấu, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, vấn đề thể chế và thủ tục hành chính vẫn là gánh nặng của thị trường BĐS. Các thủ tục chuyển đổi dự án mua bán, sang tên, chuyển nhượng còn rất rườm rà, phức tạp và mất thời gian. Do vậy, nếu không giải quyết được các vướng mắc liên quan, thể chế và thủ tục hành chính sẽ là lực cản lớn nhất đáng lo ngại nhất khiến thị trường BĐS càng dễ bị tổn thương./.

Nguyễn Huế (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.