Thực hiện chủ trương trên, hàng loạt ngân hàng đã giảm các mức lãi suất cho vay, trong đó triển khai những gói tín dụng hỗ trợ bất động sản, với mức lãi suất 14%. Nhưng trong tuần qua, những chính sách này chưa tác động mạnh đến thị trường bất động sản cũng như tâm lý khách hàng. Người có nhu cầu mua nhà ở thực vẫn tiếp tục chờ đợt hạ giá nữa. Thị trường bất động sản chưa hết cảnh ế ẩm.
Nhiều chủ đầu tư, nhà phân phối phải mở chiến dịch quảng bá sản phẩm, kể cả hình thức treo băng-rôn (hình ảnh hiếm thấy từ năm 2008 trở về trước). Dự án Dream Town, tại Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, cũng đang thực hiện hình thức này. Theo quảng cáo, giá bán căn hộ dự án này từ 17,8 triệu đồng/m2. Có nhiều băng-rôn khá ấn tượng, nhưng người đọc lại không biết thông tin gì về dự án. Chẳng hạn có băng rôn được treo trên thân cây tại đường Lê Văn Lương: "Chung cư Hà Nội, giá gốc 15,3 triệu đồng/m2, cách Cầu Giấy 10 phút đi xe, gần Ðại học Công nghiệp, thanh toán tám lần/hai năm, hotline: 0987971...".
Việc thị trường bất động sản "đóng băng" kéo dài đã dẫn tới một loạt sàn giao dịch bất động sản cũng phải đóng cửa. Theo số liệu được công bố trong buổi hội thảo "Xây dựng chỉ số đánh giá thị trường bất động sản tại thành phố Hà Nội", từ năm 2011 trở lại đây, trên địa bàn Hà Nội có 122 sàn bất động sản ngừng hoạt động, hơn 200 sàn không có giao dịch thành công. Sàn có giao dịch thì số lượng cũng rất khiêm tốn, chỉ một vài sản phẩm.
Số liệu tổng hợp kết quả khảo sát về giao dịch mua bán nhà ở trong quý I-2012 của các sàn cho thấy, nhà ở chung cư chỉ có 37 giao dịch thành công, trong khi giao dịch không qua sàn là 842 trường hợp. Với nhà ở riêng lẻ, biệt thự, liền kề, qua sàn chỉ ghi nhận được 27 giao dịch, trong khi con số không qua sàn là 2.203 trường hợp. Ðáng chú ý, các giao dịch không phân bố đều các quận, huyện, mà chỉ tập trung chủ yếu tại bốn quận là Cầu Giấy, Ðống Ða, Thanh Xuân và Hà Ðông.
Theo bản báo cáo thị trường của Công ty Knightfrank, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản và giới đầu tư đã tiếp nhận nhiều tin tức tích cực như sự phục hồi của thị trường chứng khoán, áp lực lạm phát, lãi suất giảm... nhưng vẫn có rất ít giao dịch thành công. Nguyên nhân do trong suốt ba năm vừa qua, với những diễn biến thiếu ổn định, đã làm mất đi lòng tin vào thị trường, nên nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm những kênh khác an toàn hơn như vàng, gửi ngân hàng và chứng khoán. Tuy vậy, chuyên gia của Knightfrank nhận định: Với việc cắt giảm lãi suất được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra đến hết năm 2012, thị trường bất động sản bắt đầu có lại niềm tin. Nếu như nền kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm không có bất kỳ cú sốc khó chịu nào nữa cùng với tỷ lệ lạm phát ổn định, khả năng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại là khá lớn.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vũ Xuân Thiện, nhận xét: Hiện chưa có cơ sở để đánh giá, nhưng ai cũng hy vọng cuối năm thị trường bất động sản sẽ tốt lên. Bởi vì ngân hàng đã giảm lãi suất. Bộ Xây dựng cũng vừa ký hợp đồng nguyên tắc với Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam áp dụng lãi suất 14% cho vay để đầu tư bất động sản. Ðây cũng là cơ hội để thị trường có thể phát triển trong những tháng cuối năm.
Tuy vậy, theo quy luật thị trường kinh doanh, bất cứ một lĩnh vực nào cũng có những giai đoạn khó khăn sau khi thăng hoa. Có ý kiến cho rằng, bất động sản mới ở giai đoạn chớm khủng hoảng, giống như chứng khoán đang ở giai đoạn 800-900 điểm cách đây mấy năm, nên con đường đi xuống của bất động sản còn tới hai năm nữa mới phục hồi trở lại.