Dự án Kim Chung- Di Trạch (Vòng tròn đỏ) không xa trung tâm Hà Nội, hiện có giá dao động từ 25-28 triệu đồng/m2
Qua khảo sát cho thấy, hiện đất trong dự án Geleximco khoảng 30 - 32 triệu đồng/m2. Dự án Văn Phú (Hà Ðông) giá liền kề khoảng 40 - 45 triệu đồng/m2. Dự án Dương Nội khu A giá biệt thự khoảng 35-40 triệu đồng/m2. Dự án Vân Canh hiện 35 - 38 triệu đồng/m2. Dự án Kim Chung - Di Trạch khoảng 25-28 triệu đồng/m2. Dự án Tân Tây Ðô khoảng 25-28 triệu đồng/m2... Ðại diện các trung tâm BÐS nhận xét, việc giá BÐS tiếp tục giảm mạnh càng tăng thêm tâm lý bất an cho giới đầu tư.
Có thể thấy, trong hơn 20 năm qua, chưa khi nào thị trường bất động sản lại có sự giảm giá kéo dài như đợt này. Kể từ cuối năm 2011 đến nay, giá BÐS liên tục giảm mạnh 30 - 40%. Dự báo, giá BÐS có thể giảm thêm trong đầu năm 2013. Việc giảm giá BÐS tạo điều kiện để người có nhu cầu mua được nhà để ở. Và nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội tốt để người tiêu dùng có thể lựa chọn cho mình một sản phẩm vừa ý, hợp túi tiền. Song, so với thu nhập trung bình và với các địa phương khác, thì giá nhà đất tại Hà Nội vẫn còn quá cao. Hiện tại, Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Ðất Xanh Hoàn Cầu đang mở bán sản phẩm tại dự án 4S Riverside Linh Ðông ven sông Sài Gòn với mức giá 12,5 triệu đồng/m2. Khi mua nhà, khách hàng được một số ngân hàng hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi. Một thông tin đáng chú ý khác, Công ty cổ phần Tấc Ðất Tấc Vàng đang chào bán 20 nền đất tại dự án Green River Villas với giá từ 2 triệu đồng/m2. Dự án tọa lạc tại Mỹ Phước 4, Bình Dương, do Công ty Becamex IJC làm chủ đầu tư. Những mức giá trên là niềm mơ ước của người có nhu cầu về nhà ở tại Hà Nội.
Những khó khăn kéo dài trên thị trường BÐS kéo theo hệ lụy cho nhiều ngành nghề khác, như xi-măng, sắt thép, gạch, thị trường lao động... Nhiều đề xuất đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó chủ trương quan tâm đến nhu cầu nhà ở xã hội được nhiều chuyên gia đồng tình, ủng hộ. Trong buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BÐS trên địa bàn được chuyển đổi quỹ nhà ở thương mại sang nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhằm giảm giá bán, khơi thông đầu ra cho thị trường BÐS.
Ngay sau đó, ngày 27-12-2012, UBND thành phố Hà Nội đã có ý kiến về việc đồng ý chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở thu nhập thấp đối với dự án nằm trong Khu đô thị Trung Văn mở rộng, do Công ty cổ phần Ðầu tư - Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư.
Theo thông tin chúng tôi có được, hiện nay, đã có nhiều chủ đầu tư xin điều chỉnh quỹ đất nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc mở rộng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Ðây là tín hiệu tích cực cho thị trường BÐS trong tương lai.
Thực tế, tại thị trường Hà Nội, những dự án có căn hộ chào bán dưới 15 triệu đồng/m2 vẫn thu hút được rất nhiều khách hàng quan tâm, đặt mua. Nghĩa là, mấu chốt khiến thị trường "đóng băng" chính là quan hệ cung - cầu mất cân đối về cơ cấu căn hộ và mặt bằng giá cả. Vì vậy, để có thể tháo gỡ và đưa thị trường hoạt động theo đúng quy luật, chúng ta phải chủ động về mặt chính sách phát triển, như chủ động trong quy hoạch tạo ra quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội (cho thuê, cho thuê - mua, nhà ở giá rẻ) thay vì trích từ quỹ đất của các dự án thương mại như hiện nay. Nếu tiếp tục sử dụng một số phần trăm trong quỹ đất nhà ở thương mại để xây nhà xã hội, thì việc phát triển phân khúc này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào dự án thương mại. Cách tháo gỡ căn bản là phải tạo ra được nguồn cung dồi dào ở những phân khúc được người tiêu dùng quan tâm, mới mong thị trường BÐS phát triển ổn định, bền vững.