Hoàn thiện hệ thống pháp luật là giải pháp ưu tiên số một Bộ Xây dựng đề xuất
Phát triển theo phong trào
Những tồn tại, bất cập của thị trường bất động sản đã được Bộ Xây dựng thẳng thắn nhìn nhận trong một báo cáo vừa trình Chính phủ. Theo đó, thị trường bất động sản mới hình thành, nên phát triển còn thiếu ổn định, khi quá "nóng", lúc lại "đóng băng" không có giao dịch.
Tình trạng phát triển bất động sản tự phát, theo phong trào còn phổ biến. Nhiều dự án chậm hoàn thành hoặc không đủ điều kiện hạ tầng để đưa vào sử dụng bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Tồn kho bất động sản lớn, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở, không phù hợp với nhu cầu thị trường, dẫn đến lệch pha cung - cầu. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị. Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở không ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của người dân, với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Đặc biệt, thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án, đến giao dịch bất động sản. Cơ chế xin - cho trong việc giao dự án bất động sản dễ dẫn đến tham nhũng; giao dịch ngầm dẫn đến hiện tượng làm giá, đầu cơ, lũng đoạn thị trường còn diễn ra tại nhiều dự án; chưa có sự kiểm soát có hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Ưu tiên hoàn thiện hệ thống phát luật
Nguyên nhân trước tiên được Bộ Xây dựng chỉ ra là do hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch bất động sản, đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, dẫn đến việc thị trường chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả.
Cụ thể, việc phát triển bất động sản không theo quy hoạch, không có kế hoạch, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện; chính sách phát triển thị trường bất động sản chưa thật sự phù hợp, vai trò của Nhà nước trong kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản thông qua thị trường sơ cấp chưa hiệu quả.
Trong khi đó, hệ thống các định chế tài chính bất động sản chưa được hoàn thiện, thiếu nguồn vốn trung và dài hạn, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, cũng như người dân. Đặc biệt, chưa có sự kết nối thông suốt giữa thị trường bất động sản với các thị trường khác, nhất là thị trường vốn, nên chưa hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp, trong đó ưu tiên số một là hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm thúc đẩy và quản lý thị trường phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị khẩn trương tái cơ cấu thị trường bất động sản, phát triển đa dạng các loại hàng hoá, nhất là nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục lệch pha cung - cầu. Đi đôi với đó là hình thành và tạo điều kiện để các định chế tài chính phát triển, nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường bất động sản, điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường.
Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan tới bất động sản để khuyến khích sử dụng có hiệu quả bất động sản, giao dịch chính thức trên thị trường, hạn chế đầu cơ, trốn lậu thuế; hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và nâng cao năng lực các chủ thể tham gia thị trường; xây dựng hệ thống thông tin, dự báo thống nhất, tin cậy từ Trung ương đến địa phương, làm cơ sở cho hoạch định chính sách, quản lý thị trường; thực hiện cung cấp thông tin, bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động một cách công khai, minh bạch.