Handico vừa đóng những chiếc cọc bê tông đầu tiên xây dựng nền móng Dự án nhà ở cao tầng A10, Khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) sau nhiều năm để đất trống. Không chỉ Handico, cuộc đua với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước trên thị trường bất động sản đang là thách thức không dễ vượt qua với nhiều “ông lớn”.
Công trình A10 Nam Trung Yên của Handico nằm trong Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ công cộng tại ô đất A10, thuộc Khu tái định cư Nam Trung Yên. Dự án được xây dựng trên diện tích đất hơn 3,3 ha với tổng vốn đầu tư3.153 tỷ đồng. Công trình cũng đánh dấu sự trở lại của Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng, sau khoảng thời gian thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Chỉ có điều, sự trở lại của Handico được dự báo sẽ không dễ dàng trong điều kiện thị trường đã có quá nhiều thay đổi so với giai đoạn 2009 – 2011, thời kỳ mà những doanh nghiệp nhà nước sở hữu quỹ đất lớn như Handico trong giai đoạn hoàng kim.
Khởi động công trình nhà ở cao tầng A10, Handico bước vào cuộc đua mới trên thị trường bất động sản (Ảnh: Hà Quang).
Trong quá khứ, Handico từng được biết đến là một trong những chủ đầu tư bất động sản lớn nhất Hà Nội. Nhưng cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua đã đưa thị trường sang giai đoạn phát triển mới với những đòi hỏi về hạ tầng, dịch vụ chất lượng cao, trong khi những sản phẩm mà Handico đã từng làm trước đây phần lớn là nhà cho người có thu nhập thấp, nhà tái định cư.
Tương tự, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản lớn tại Hà Nội (Khu đô thị mới Nghĩa Đô, Khu đô thị mới Yên Hòa, Khu nhà ở CT1, CT2, CT3 Cổ Nhuế…), nếu trước đây gần như không phải lo nghĩ đến câu chuyện bán hàng thì nay việc kinh doanh cũng không còn dễ dàng như trước.
Các dự án bất động sản trọng điểm mà UDIC tập trung triển khai trong năm 2016 như Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, Dự án UDIC Riverside 1 hay UDIC Westlake cũng đang trong cuộc chạy đua với hàng loạt kế hoạch xây dựng, mở bán rầm rộ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty cổ phần. Đặc biệt, kể từ sau vụ “lình xình” với khách hàng trong việc góp vốn mua nhà tại Dự án N04 – UDIC Complex (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), ảnh hưởng phần nào đến uy tín của doanh nghiệp này và người mua nhà cũng cẩn trọng hơn khi đặt bút ký vào các bản hợp đồng mua bán bất động sản.
Thực tế khắc nghiệt, trong cuộc đua với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, không chỉ xảy ra với những doanh nghiệp nhà nước như Handico, UDIC, mà với nhiều doanh nghiệp tên tuổi do các bộ, ngành quản lý cũng dần đuối sức. Trường hợp Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà ở và đô thị (HUD) của Bộ Xây dựng là một ví dụ.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2016, HUD đã không đưa ra sản phẩm bất động sản mới nào. Tòa nhà văn phòng HUD Tower (đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được xác định là dự án trọng điểm của Tổng công ty, sau nhiều năm đầu tư xây dựng, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành để khai thác. Các dự án khác như: Khu nhà ở Thanh Lâm - Đại Thịnh II, Nam An Khánh, Giang Biên, Kiến Hưng (Hà Nội); Lê Thái Tổ (Bắc Ninh); Phú Sơn, Nam thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa); Phước Long (Nha Trang); Hiệp Phú (TP.HCM)... cũng không mang lại tiếng vang đang kể nào cho HUD trong tiến trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và chuyển đổi mô hình phát triển từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
Thị trường bất động sản năm 2016 đang bước vào những tháng cuối năm với những tín hiệu tích cực về tốc độ giải ngân vốn đầu tư, tiến độ xây dựng nhanh chóng và mức độ thanh khoản tốt trên từng phân khúc. Nguồn cung dồi dào và sức cạnh tranh mạnh mẽ giữa chủ đầu tư các dự án, đã mang đến sự đa dạng về các sản phẩm bất động sản. Trong bức tranh tổng thể đó, người mua có nhiều lựa chọn hơn, người dùng có dịch vụ đầy đủ hơn, nhưng nó cũng khiến nhiều doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trong quá khứ, từ việc tiếp cận đất đai dễ dàng, ngày càng khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh.