Theo như thông tin Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thông báo trong tuần vừa qua, Bộ Xây dựng đã thống nhất với Ngân hàng Nhà nước quan điểm dư nợ tín dụng cho bất động sản (BÐS) là vẫn phải có tăng trưởng nhất định. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu hai bên phối hợp để đưa ra từng tiêu chí đối với tín dụng BÐS.

Trước đó, Bộ này đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu theo hướng không tăng tỷ trọng tín dụng BÐS trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay với từng đối tượng. Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị tăng tỷ trọng cho vay các khoản mục vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất, kinh doanh, vay mua nhà để ở; có thể giữ nguyên tỷ trọng trong vay xây dựng, kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng... hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.


Một tín hiệu vui nữa đối với các nhà đầu tư khi hơn 540 đồ án, dự án trong rà soát đợt 2 (đợt 1 là 244 đồ án, dự án) đã được thành phố thông qua và đang đề nghị Thủ tướng phê duyệt. Số đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trong đợt 2 được phân thành hai nhóm: tiếp tục triển khai hoặc phải tạm dừng để tiếp tục rà soát, đề xuất trong các đợt tiếp theo.


Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, về quy hoạch chung đối với xây dựng đô thị Thủ đô Hà Nội, tới đây, sẽ được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh quy hoạch các phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung các huyện, thị xã rồi thiết kế về không gian đô thị, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng để phát triển đô thị và nông thôn trong thời gian tới, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc dân tộc.


Dù những tín hiệu trên chưa thể là nguồn sáng để "chiếu" cho toàn thị trường BÐS Hà Nội, song một vài phân khúc, một vài khu vực sẽ được "vực dậy" sau những ngày dài trầm lắng. Cùng với đó, sẽ có những chủ đầu tư được "cứu" sau cơn "đói" vốn tưởng chừng như phá sản. Nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng, thị trường sẽ phục hồi sớm, khi chính sách thắt chặt tín dụng vốn trong BÐS sẽ được nới lỏng.


Tuy nhiên, ngày 24-7 vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Ðồng Tiến cho biết, do sức ép lạm phát thường gia tăng vào những tháng cuối năm, cho nên Chính phủ vẫn duy trì giải pháp thắt chặt tiền tệ. Do vậy, chủ trương kiểm soát tín dụng BÐS vẫn tiếp tục thực hiện bình thường.


Vậy là khả năng nới lỏng tín dụng BÐS chưa thể thực hiện được trong thời gian sớm. Các chủ đầu tư phải tự đi bằng đôi chân của chính mình. Ðể trụ được trong hoàn cảnh này, buộc họ phải "vắt óc" tìm chiến lược kinh doanh phù hợp...


Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhận định: Bây giờ có thể thấy thị trường ngắn hạn rất khó khăn, nhưng thị trường trung hạn và dài hạn rất khả quan do nhu cầu về nhà ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều, nhất là nhu cầu nhà ở chung cư, nhà ở cho người có thu nhập thấp và phân khúc nhà ở cho thuê - lĩnh vực mà ở Việt Nam hiện vẫn đang bỏ ngỏ.


Quả thật, phân khúc giảm giá mạnh nhất trong thời gian qua là căn hộ chung cư thương mại, căn hộ chung cư cao cấp và đất nền. Mặc dù đã hạ giá bán, song ở ba mảng phân khúc này cho đến nay vẫn rất ảm đạm. Dẫu sao, thị trường BÐS từ nay cho đến cuối năm vẫn còn khó khăn.

Theo Nhân dân online
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.