Cùng với chính sách thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực này của các ngân hàng thương mại trong nước, thị trường bất động sản đang trong cơn khát vốn hơn bao giờ hết.
Khủng hoảng vẫn chưa đến "đáy"(?!)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp
nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) tính từ 1/1
đến 20/8 vẫn dừng lại con số luỹ kế trước đó 2 tháng (22/6) là 275,26
triệu USD với 9 dự án. Tức là trong hai tháng liên tiếp (tháng 7 và
tháng 8), không có thêm một đồng vốn FDI nào vào lĩnh vực này. Nếu so
sánh với số vốn đầu tư cùng kỳ các năm 2009, 2010 thì vốn FDI trong 8
tháng qua đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm
2010 số vốn FDI đăng ký cấp mới vào kinh doanh BĐS là 2.358,7 triệu USD.
Con số này cùng thời kỳ năm 2009 là 34.336,44 triệu USD, gấp gần 125
lần năm 2011.
Vốn ngoại khó khăn, với Chỉ thị 01 ngày 1/3 của Ngân
hàng Nhà nước về siết chặt tín dụng chứng khoán, BĐS, thị trường này
càng không thể trông chờ vào đồng vốn nội từ các ngân hàng thương mại.
Chỉ thị 01 yêu cầu: "Giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi
sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực BĐS, chứng khoán; đến 30/6,
tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là
22% và đến 31/12, tỷ trọng này tối đa là 16%".
Các "cò đất" địa phương, những đối tượng được coi là dẻo dai chống chịu với mọi điều kiện thị trường cũng đang lâm vào cơ cực. Bà Phương (ở tổ 27, Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội), một người môi giới nhà đất than thở: "4 tháng nay tôi không có được một hợp đồng nào". Đây cũng là than thở của nhiều "cò đất" khi tiếp xúc với PV Báo GĐ&XH. Nhiều "cò" chuyển sang nghề bán nước và chạy xe ôm sống qua ngày. |
Bộ Xây dựng mới đây (ngày 13/9) đã có tờ trình Thủ
tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức
tín dụng ưu tiên cho vay đối với những dự án BĐS có khả năng thanh khoản
cao; phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp; đã xây
xong phần thô đang hoàn thiện chờ đưa vào sử dụng và tăng tỷ trọng cho
vay mua nhà để ở. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm, Bộ Xây dựng có động
thái được cho là để "khai thông nguồn vốn, giải cứu thị trường" BĐS. Tuy
nhiên, không khó để dự đoán là sẽ khó có thể có những biến chuyển tích
cực trong ngắn hạn.