Thị trường bất động sản sẽ có nhiều tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm 2012. Ảnh: Trung Kiên
Từ giữa năm 2011, khi chính sách tiền tệ được thắt chặt, van tín dụng bị "khóa", gần như ngay lập tức thị trường BĐS rơi vào tình trạng "đóng băng". Nhiều dự án đang triển khai phải tạm dừng. Dự án chưa triển khai không biết đến bao giờ mới khởi công. Giao dịch trên thị trường đình trệ. Thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội, từ giữa năm 2011 đến nay, đã có 122/500 sàn giao dịch BĐS ngừng hoạt động; hơn 200 sàn không có giao dịch thành công. Nhiều sàn chỉ có vài giao dịch do thị trường "đóng băng". Việc quá phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ tín dụng ngân hàng được coi là một trong những điểm yếu của thị trường BĐS. Vì vậy, thông tin lãi suất huy động liên tục hạ xuống, đồng thời kênh tín dụng gần như mở với BĐS (chỉ trừ phân khúc khu công nghiệp) được coi là tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường BĐS "tan băng" trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, khi lãi suất huy động ngân hàng xuống mức 9%/năm, dự báo dòng vốn trong dân sẽ dịch chuyển sang kênh BĐS, cùng với dòng vốn tín dụng ngân hàng, góp phần tiếp thêm "hơi ấm" cho thị trường.
Đối thoại trực tuyến với người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói, nguồn vốn tín dụng ngân hàng rất quan trọng đối với thị trường BĐS, song nguồn vốn này phải "rẻ", ổn định và đặc biệt phải hướng tới người mua nhà. Lãi suất ưu đãi, người mua mới có khả năng tiếp cận nguồn vốn, đồng thời qua đó thị trường cơ cấu lại hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực. Đánh giá về thị trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hiện đang là "đáy" của thị trường BĐS, tức là thời kỳ khó khăn nhất. Nhưng, hình thái của "đáy" như thế nào còn phải nghiên cứu thêm. Thời gian thị trường BĐS ảm đạm đã quá dài, đối với thị trường Hà Nội từ quý II-2011, trong khi thị trường TP Hồ Chí Minh từ năm 2009 đến nay. Thời điểm này đã có tín hiệu sáng hơn, số lượng giao dịch đã tăng, nhưng trong năm 2012 thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn...
Đối với doanh nghiệp BĐS, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, thời gian qua là thời gian rất khó khăn. Có doanh nghiệp (DN) chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng ngân hàng, vay nhiều nhưng không bán được, giao dịch thấp, chịu lãi suất cao nên từ lãi thành lỗ, nợ xấu tăng lên. Không ít DN phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, từ đó tác động xấu tới đời sống, việc làm của người lao động, tác động xấu đến các ngành sản xuất liên quan như vật liệu xây dựng. Kể cả DN sử dụng ít vốn vay ngân hàng, dựa vào vốn huy động trong dân cũng khó khăn khi chi phí tăng cao, giao dịch ảm đạm, nếu hạch toán không tốt cũng có thể lỗ vốn. Vì vậy, hiện nay, DN cần bình tĩnh, đánh giá toàn diện thị trường và chính bản thân DN; phân tích nguyên nhân tồn tại để khắc phục. Không nản lòng, vững vàng vượt qua khó khăn nhưng cũng phải khôn ngoan lựa chọn giải pháp, cơ cấu lại DN, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường; thậm chí chuyển nhượng dự án nếu không đủ khả năng hoặc liên doanh, liên kết để cùng nhau trụ vững, vượt qua khó khăn.
Đối với người mua nhà để ở, đây là cơ hội tìm sản phẩm phù hợp khả năng tài chính. Còn nếu để kinh doanh, lời khuyên vẫn là cần nghiên cứu kỹ thị trường.