Sau hàng loạt động thái được cho là “xuống nước”, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu “tan băng”. Bất chấp nỗ lực của các chủ đầu tư lẫn các thông điệp giải cứu từ cơ quan quản lý.
Giảm giá 30 – 40% vẫn ế

Dường như thời điểm hiện tại, vị thế giữa người mua và người bán BĐS có sự thay đổi. Trước đây có một căn hộ để ở, người mua phải nhờ vả, hoặc thông qua “cò mồi”, phải trả tiền chênh lệch rất lớn và không bao giờ gặp trực tiếp được chủ đầu tư. Thì giai đoạn này chủ đầu tư đang “xuống nước”, đưa ra rất nhiều chương trình khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng, kể cả việc kết hợp với NH, tạo điều kiện cho “thượng đế”, tăng tính thanh khoản. Thế nhưng, thanh khoản của thị trường trong những tháng trở lại đây cũng không cải thiện nhiều, thậm chí ở một vài dự án, mức độ khó khăn còn có phần lớn hơn.

Ngoại trừ một số dự án có giá mềm, địa điểm không quá xa khu trung tâm lác đác có giao dịch, còn lại hầu hết các dự án thuộc các khu vực như đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương, Linh Đàm, Xa La, An Khánh, Đan Phượng… gần như vẫn “bất động”, cho dù giá đã được phía chủ đầu tư giảm tới 30% thậm chí có nơi tới 40%, so với giá ban đầu.

Khu đô thị mới Văn Khê đã giao nhà được 2 năm, thời điểm cuối 2011 thị trường còn sôi động, giá biệt thự liền kề vào khoảng 80 triệu đồng/m2, thì nay được nhiều sàn giao dịch rao 50 triệu đồng/m2. Khu đô thị Văn Phú nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn kéo dài, giá liền kề, biệt thự trục đường lớn hiện khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2, đường nhỏ 45 - 50 triệu đồng/m2, giảm 40% so với thời điểm năm 2010.

Tại khu vực huyện Hoài Đức, nơi tập trung khá nhiều dự án BĐS có quy mô lớn như Nam An Khánh, Bắc An Khánh, khu đô thị mới Geleximco, khu đô thị Vân Canh, khu đô thị Bắc 32, khu đô thị mới Tân Tây Đô... mặt bằng giá cũng giảm 30% so với trước đây.

Phân khúc BĐS giá rẻ, thanh khoản cũng khó khăn không kém. Bất chấp thực tế nhu cầu nhà ở của người dân là có thật, theo Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị trong toàn quốc vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, hoặc mua nhà.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy với tình hình “đóng băng” như hiện nay, đối với các chủ đầu tư BĐS, nguy cơ lỗ vốn gần như đã bày ra trước mắt.


Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội: “Đầu tư vào những phân khúc thị trường giá rẻ cộng với giảm giá, có thể là lối “thoát hiểm” cho các doanh nghiệp BĐS.
Tự cứu mình trước

Theo nhiều chuyên gia BĐS, thực trạng nói trên ngoài nguyên nhân khó khăn về kinh tế nên sức mua của khách hàng giảm. Còn do các chủ đầu tư liên tiếp đưa ra những chiêu kích cầu nửa vời, khiến họ khó lựa chọn.

“Khi mà niềm tin của người tiêu dùng đang “dao động”, những gói kích cầu không rõ ràng, yếu ớt, nửa vời chỉ khiến họ hoài nghi hơn. Chính vì thế đa phần khách hàng vẫn có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, mặc dù trên thực tế nhiều chủ đầu tư rơi vào cảnh không thể giảm giá thêm, vì hệ số lợi nhuận đã xuống đến mức tối thiểu. Trong khi đó khách hàng vẫn cho rằng, bất động sản vẫn chưa về giá trị thực, mà vẫn bị chủ đầu tư… hét giá, dẫn đến giao dịch trên thị trường rơi vào tình cảnh “đóng băng”” – một chuyên gia BĐS nhận xét.



Trong tình hình hiện tại, khá nhiều chủ đầu tư chấp nhận “xuống nước” để giải thoát cho mình, thì cũng có những chủ đầu tư khác lại cho rằng “giảm giá” là con dao hai lưỡi, nếu không tính toán cẩn thận, thì niềm tin của khách hàng không phục hồi và chủ đầu tư sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.

Nhiều chủ đầu tư cho rằng, nếu giảm nữa chỉ còn cách ăn bớt nguyên vật liệu hoặc làm gian dối. Điều này sẽ càng khiến khách hàng tỏ ra hoài nghi về chất lượng công trình, từ đó khiến họ đắn đo lựa chọn. Thực tế hiện nay, thay vì chờ đợi sự giải cứu từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp BĐS nên chủ động trong việc lựa chọn con đường có thể giúp họ vượt qua khó khăn, đó là đẩy nhanh tiến độ dự án và cân nhắc mức giá bán hợp lý, thay vì vẫn “khư khư” đeo đuổi mục tiêu lợi nhuận ban đầu.

Trước thực trạng thị trường bất động sản “đóng băng”, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội nhận định: “Để giải quyết hàng tồn kho, chủ đầu tư thực hiện chủ trương giảm giá, có doanh nghiệp phải giảm giá căn hộ xuống mức thấp nhất. Nhiều NH có chương trình hỗ trợ, đầu tư căn hộ có diện tích trung bình của doanh nghiệp BĐS, trong thời gian tới nhu cầu phân khúc căn hộ trung bình sẽ tăng lên. Đây có thể là lối “thoát hiểm” mới cho doanh nghiệp BĐS”.
Theo Sỹ Hào (PL & XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.