19/02/2014 1:57 PM
CafeLand – Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố mới đây về chỉ số giá giao dịch bất động sản quý IV/2013 tại Hà Nội ghi nhận giá chung cư ở thủ đô có sự tăng nhẹ. Sự kiện này đã thổi một làn gió hy vọng lạc quan về tương lai của thị trường trong năm mới. Tuy nhiên, liệu bất động sản 2014 đã sẵn sàng hồi phục chưa hay sẽ tiếp tục ngập chìm trong đống tồn kho, tranh chấp và hàng loạt bế tắc về chính sách chưa được khai thông khác?

Bất động sản 2014 có thể được khái quát và gói gọn trong câu “lạc quan trong thận trọng”. Ảnh: KL

Trả lời một phỏng vấn đầu năm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã có nhận định về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm 2014 như sau, “Nhìn vào sự biến đổi của thị trường bất động sản năm 2013, nhất là sự tiến triển tích cực ở những tháng cuối năm, tôi cho rằng năm 2014 thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục, ấm dần lên”.

Trên thực tế trong thời gian gần đây trên thị trường nhà đất tiếp tục xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Cụ thể, Bộ Xây dựng vừa qua đã hoàn thành dự thảo lần thứ 11 của Luật Nhà ở sửa đổi sau khi điểu chỉnh một số điểm cho phù hợp với tình hình thực tế và góp ý của công luận. Trong đó, Luật Nhà ở đã có 5 điểm đổi mới đáng kể như: Chưa nhận nhà, người mua chỉ phải đóng tối đa 70%;Trong vòng 30 ngày sau khi giao nhà, chủ đầu tư phải làm thủ tục cấp sổ đỏ cho căn hộ; Diện tích nhà chung cư được tính theo kích thước thông thủy; Bỏ quy định sở hữu chung cư có thời hạn 70 năm; Tăng thời gian sở hữu nhà ở cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam… Như vậy, so với trước đó Luật nhà ở sửa đổi đã đưa vào khá nhiều điểm tích cực. Nhiều người kỳ vọng khi dự luật này được ban hành sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản.

Ngoài ra, vừa qua Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng đã liên tục yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/12/2013, các ngân hàng mới chỉ giải ngân được 758,7 tỷ đồng trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, tương ứng chiếm khoảng 2,5%. Đây là kết quả khá khiêm tốn so với kỳ vọng của Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng phát biểu trước Quốc hội là 15.000-20.000 tỷ đồng.

Vào ngày 2/1 vừa qua, người đứng đầu NHNN đã quyết định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định là 5%/năm, tức giảm 1% so với mức lãi suất áp dụng năm 2013 nhằm đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ này.

Bên cạnh hàng loạt động thái tích cực từ Chính phủ, một số chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản cũng đã có nhiều nhận định trái chiều về vấn đề trên. Theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cần giải ngân gói 30.000 tỷ này phải như tinh thần của một chiến sĩ cứu hỏa, cũng như tinh thần của một bác sỹ cấp cứu bệnh nhân, phải chấp nhận vượt qua một số luật lệ thông thường.

Cũng là một chuyên gia có nhiều nhận định “chói tai” về bất động sản Việt Nam suốt thời gian qua, TS ALan Phan cho rằng, “lý do duy nhất khiến thị trường bất động sản Việt Nam trì trệ là giá bán quá cao so với thu nhập trung bình của người dân”.

Nhìn vào số liệu do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản 2 năm qua đã có sự tăng tốc chóng mặt từ 190 nghìn tỷ năm 2012 tăng lên 260 nghìn tỷ vào năm 2013, với tỷ lệ tăng tương ứng là 36,8%. Đây là con số thật sự “khủng” rất đáng để chúng ta suy nghĩ về thực trạng thực sự thị trường nhà đất cũng như đánh giá được khả năng phục hồi của nó trong thời gian tới.

Bất động sản 2014 có thể được khái quát và gói gọn trong câu “lạc quan trong thận trọng”. Như lời nhận định của ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Đất Xanh, “Những khó khăn của thị trường sẽ tiếp diễn trong năm 2014 nhưng mức độ sẽ giảm đi 60% - 70%”.

Khánh Linh (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.