26/06/2012 7:43 AM
Đó là đánh giá của ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ, khi trao đổi với Báo ĐTCK về tác động của hàng loạt tin tốt đối với thị trường bất động sản thời gian qua.

Trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản (BĐS) đã đón nhận hàng loạt tin tốt như: lãi suất giảm; hoãn, giãn và giảm một số loại thuế cho DN; đầu tư công được đẩy mạnh; đối tượng vay BĐS được mở rộng…, nhưng thị trường vẫn không có nhiều chuyển biến. Ông lý giải thế nào về tình trạng này?

Thời điểm những năm 2010 trở về trước, khi có bất cứ một thông tin tốt nào, thì chỉ sau khoảng 2 tuần là có tác dụng ngay đến thị trường BĐS. Nhưng từ năm 2011 đến nay, thị trường rơi vào chu kỳ khủng hoảng, khó khăn, khiến cho nguồn lực của các DN và người dân đều bị ảnh hưởng. Nguồn lực ở đây có hai thành phần, đó là nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần. Chính vì vậy, tác động từ những chính sách thời gian qua mặc dù rất nhiều, nhưng do thị trường như một cơ thể đã quá ốm yếu, mệt mỏi, nên việc hấp thụ để phục hồi cần phải có thời gian. Hay nói cách khác, thị trường BĐS đang “chai lỳ” với những thông tin tốt.

Tình trạng trên phải chăng là cái giá phải trả cho một thời kỳ đầu tư BĐS theo phong trào?

Thị trường BĐS Hà Nội đã từng trải qua nhiều đợt giảm giá sau những cơn “sốt nóng”, nên từ DN đến các NĐT nhỏ lẻ đều xác định, khi đầu tư vào lĩnh vực này sẽ có lúc lãi, lúc lỗ. Tuy nhiên, họ không đánh giá được là sẽ có một đợt giảm giá sâu và gần như chưa có tiền lệ từ trước đến nay như vừa qua. Khi đầu tư, hầu như ai cũng tính toán kế hoạch cho mình theo chiều thuận, mà không tính hết theo chiều ngược, nên dẫn tới tổn thất quá lớn. Đây chính là bài học cho NĐT.

Cái giá phải trả quá “đau” khiến NĐT mất niềm tin vào thị trường có phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc thị trường chậm phục hồi, dù đón nhận nhiều tin tốt?

Tôi cho rằng, thị trường BĐS chậm hồi phục có một nguyên nhân rất cơ bản là do NĐT mất niềm tin. Cụ thể, NĐT mất niềm tin vào tiến độ thực hiện dự án của một số chủ đầu tư. Vừa qua, có không ít dự án đã xây đến tầng 10 hay 15, thậm chí đã xong phần thô, nhưng khách hàng vẫn lo ngại chủ đầu tư không thể hoàn thiện để bàn giao cho khách hàng đúng hạn. Trong trường hợp này, chủ đầu tư cần phải giữ chữ tín thì mới khôi phục được lòng tin của NĐT trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nguyên nhân thứ hai là về chính sách, một điều rất quan trọng là sự cam kết về tính ổn định của hệ thống chính sách. Nếu ai đã từng đi vay ngân hàng cách đây 2 năm thì biết rằng, chỉ sau vài tháng, lãi vay đã thay đổi chóng mặt, khiến người vay choáng váng. Nếu bây giờ không có một chính sách ổn định, thì dù ngân hàng có mời vay với nhiều ưu đãi, khách hàng cũng vẫn rất dè dặt. Vì vậy, sự ổn định của chính sách sẽ giúp cho thị trường sớm phục hồi trong thời gian tới.

Ông đánh giá thế nào về thị trường BĐS tại Hà Nội và có lời khuyên gì cho khách hàng vào thời điểm này?

Là một đơn vị tham gia hoạt động phân phối trên thị trường BĐS Hà Nội, tôi nhận thấy nhu cầu mua nhà để ở và kinh doanh là rất lớn, nhưng nguồn cung hiện vẫn còn hạn chế, nhiều dự án mới nằm trên giấy hoặc triển khai chậm, nhà để ở được ngay hầu như không có nhiều. Mặc dù thị trường trầm lắng là cơ hội tốt cho những người có nhu cầu mua nhà, nhưng để mua được một căn nhà phù hợp với túi tiền và đúng mục đích thì cũng không phải dễ.

Vì vậy, với người mua nhà, cần xác định rõ mục tiêu đầu tư ngay từ đầu, chẳng hạn như mua để ở thì nên mua ở đâu cho phù hợp với điều kiện kinh tế và công việc, nhưng nếu mua để cho thuê thì phải tính toán vị trí phù hợp để có thể thu hồi vốn. Cụ thể, NĐT cần quan tâm đến việc tính toán tỷ suất lợi nhuận trên vốn để quyết định đầu tư. Tôi cho rằng, một BĐS tốt là tạo ra được lợi nhuận để chủ đầu tư thu hồi vốn sau 12 - 15 năm.

Theo Đầu Tư CK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.