Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng): BĐS sẽ khởi sắc vào 2013
- Thị trường BĐS đang trong giai đoạn buộc cấu trúc lại chính mình để hình thành diện mạo mới với cơ cấu hàng phù hợp hơn. Nhưng đến năm 2013, bất chấp những khó khăn về vốn, thị trường sẽ phát triển trở lại. Năm 2012 đã khép lại vùng “trũng” của thị trường. BĐS trong năm mới sẽ khởi sắc. Đây là chu kỳ không thể khác.
Đặc biệt, sau khi Chính phủ và các cấp, ngành có nhiều chính sách quyết liệt tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường BĐS, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu thì cơ hội để thị trường này hồi phục vào năm 2013 càng lớn hơn bao giờ hết.
Năm 2013 cũng sẽ là năm bùng nổ nguồn cung căn hộ ở phân khúc bình dân. Sự cạnh tranh giữa các DN sẽ khốc liệt hơn. Người mua sẽ có nhiều cơ hội và hàng hóa để lựa chọn và hy vọng thị trường ấm lên là có cơ sở vì nhu cầu của phân khúc này rất lớn. Đầu ra được khơi thông, thị trường sẽ sớm phục hồi.
TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc bộ phận đầu tư Cty Savills VN: Sau 2 năm đóng băng, đã đến lúc thị trường được kỳ vọng đi lên
- Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng sau 2 năm đóng băng, đã đến lúc thị trường được kỳ vọng đi lên. Đây được xem là chu kỳ không thể khác. Tuy nhiên, chỉ có những DN BĐS nào thực sự có chiến lược hợp lý về sản phẩm hướng đến khách hàng mục tiêu mới có thể tồn tại để “đón” quy luật này của thị trường.
Với bản chất của thị trường BĐS VN thì phải mất một thời gian nữa mới đi đúng đường ray của sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, với những giải pháp được các cơ quan quản lý nhà nước liên tục đưa ra và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, những nhà đầu tư có thể nuôi hy vọng, bởi trong khó khăn bao giờ cũng xuất hiện nhiều cơ hội.
Tôi cũng đồng tình với quan điểm của một số chuyên gia cho rằng trong năm 2013, nhà đầu tư có thể lạc quan hơn bởi trong chu kỳ BĐS thì đây chính là giai đoạn đầu tư tích lũy tài sản an toàn và có nhiều triển vọng lợi nhuận cao, chắc chắn là an toàn hơn giai đoạn thị trường bùng nổ 2006-2009. Năm 2013, sẽ là năm bản lề quan trọng cho việc bắt đầu hình thành một chu kỳ BĐS mới tại VN.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN: Nếu có những giải pháp thích hợp, thị trường BĐS 2013 sẽ hồi phục
- Tôi cho rằng, thị trường BĐS là nhiệt kế của nền kinh tế quốc dân, mà hiện tại nền kinh tế chưa có bước khởi sắc thì BĐS cũng chưa có bước khởi sắc là điều đương nhiên. Như vậy, trong thời gian tới chúng ta phải nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế quốc dân để nói đến thị trường BĐS, còn giờ vẫn là quá sớm. Vừa qua, Chính phủ có rất nhiều phương sách cứu thị trường BĐS được đưa ra như: Giảm, dãn thuế, cho nợ tiền sử dụng đất, chia nhỏ căn hộ..., rồi các NHTM tuyên bố giảm lãi suất cho vạy mua nhà..., tuy nhiên tôi xin nói thẳng: Tất cả những giải pháp trên chỉ là giúp bên cung mà nguy cơ của thị trường BĐS hiện nay đối tượng cần hỗ trợ chính là bên cầu chứ không phải tiền thuế, hay tiền sử dụng đất... bởi thực chất nhà vẫn chưa bán được sao có thể nói chuyện thuế. Vấn đề lúc này là chúng ta phải cân bằng lại quan hệ cung – cầu mới là cách cứu thị trường BĐS.
Ở quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, thị trường BĐS năm 2013 vẫn có dấu hiệu suy thoái nhưng nếu chúng ta biết áp dụng giải pháp thích hợp vẫn có thể xoa dịu mức độ trầm trọng và có thể làm khởi sắc thị trường BĐS. Đây cũng là lúc các nhà làm chính sách nhìn lại rút ra bài học để thay đổi, nâng cao công tác quản lý BĐS.
Giá BĐS của Việt Nam sẽ melt-down (chảy tan) trước tháng 6.2013 vì 5 lý do: Thứ nhất, Chính phủ không thể in tiền để giải quyết nợ xấu (vì sẽ tái diễn tình trạng lạm phát cao trong khi căn cơ của vấn đề không được giải quyết), ngân hàng đã hết tiền vì nợ xấu, các DN BĐS cũng không còn và tiền trong dân không còn nhiều (tác giả ước tính khoảng 50 tỉ USD dưới dạng ngoại tệ và vàng được tích trữ trong dân cùng với khoảng 15 tỉ USD từ kiều hối và đầu tư của Việt kiều. Nhưng vì niềm tin vào sự phục hồi của thị trường không có nên tiền này vẫn nằm “chết” trong dân.
Thứ hai, giá BĐS giảm thêm 50%, nợ xấu sẽ tăng gấp 3 vì hiện nay 67% dư nợ của ngân hàng được thế chấp bằng BĐS. Và các con nợ sẽ ngừng trả tiền vay khi tài sản thế chấp thấp hơn tổng số tiền vay.
Thứ ba, số lượng căn hộ tồn kho sẽ mất 10 năm nữa mới thanh lý hết và nếu bong bóng BĐS không “xịt”, nền kinh tế sẽ phải trì trệ thêm 8 năm nữa.
Thứ tư, các nguồn cứu trợ từ bên ngoài chưa được Chính phủ cân nhắc tới. Thứ năm, vẫn chưa có đột phá nào trong chính sách điều hành, đủ khả năng và đột biến để xoay chuyển tình thế.