09/05/2014 1:59 PM
Thì thầm, hiểu nôm na là các chủ thể liên quan không muốn gây sự chú ý với xung quanh và thường cùng có lợi.

Để giữ chân khách hàng tốt, có thể ngân hàng nhỏ phải lựa chọn hy sinh lợi nhuận, thậm chí lỗ cục bộ, bởi mất khách hàng là mất tất cả - Ảnh minh họa.

Những ngày đầu Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) công bố tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông thường niên 2014, phải có “mẹo” mới có thể đọc được trên website công bố. Bù lại, báo cáo về kết quả kinh doanh của họ cho người đọc một chi tiết nhỏ, nhưng phản ánh một thực tế khó khăn lớn.

Đến 31/12/2013, tổng dư nợ của PG Bank ở mức 13.866 tỷ đồng, chỉ tăng 0,6% so với cuối năm 2012. Nếu lấy cả phần nợ xấu đã bán cho VAMC tính vào tổng dư nợ, tăng trưởng chung là 7,2%.

Dù thế nào thì đó cũng là tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên do. Có một nguyên do mà PG Bank đưa ra, cũng là chi tiết nói trên: khó cho vay vì khách hàng tốt bị cạnh tranh lãi suất từ các ngân hàng thương mại nhà nước.

Chỉ một dòng nguyên nhân ngắn ngủi như vậy, nhưng phản ánh một khoảng cách rất dài, khó rút ngắn và nhiều gập ghềnh trong cạnh tranh giữa ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn, thời gian qua và hiện nay.

So sánh một cách đơn giản, ngân hàng lớn dĩ nhiên có nhiều ưu thế về tiềm lực tài chính, mạng lưới, lực lượng nhân sự… Đơn cử như, với quy định giới hạn cấp tín dụng 15% vốn điều lệ cho một khách hàng, dự án, thì chỉ những “ông lớn” mới đủ điều kiện để nắm những khoản vay hàng nghìn tỷ - nhu cầu và sức vay của những khách hàng lớn. Với những ngân hàng nhỏ, tương tự, quy mô vốn chỉ 3.000 - 4.000 tỷ thì hạn mức đương nhiên là hạn chế và chủ yếu tìm đến những khách hàng nhỏ và vừa (SME).

Thế nhưng, các ngân hàng lớn cũng đang ráo riết săn khối SME, miễn là khách hàng tốt. Nhưng cạnh tranh như vậy chưa phải quyết liệt nhất.

Phân tích các điều kiện, ưu thế cạnh tranh và quyết liệt nhất hiện nay là mức độ chịu chơi trong cho vay. Cụ thể là lãi suất như nguyên do mà PG Bank đưa ra. So sánh này thì các ngân hàng nhỏ cũng có phần lép vế.

Ngân hàng nhỏ thường gặp khó khăn hơn trong thu hút nguồn tiền gửi. Để khắc phục, công cụ phổ biến và gần như duy nhất là lãi suất hoặc chính sách khuyến mại để tạo được lực hấp dẫn lớn hơn các ngân hàng lớn. Chung quy, chi phí huy động tốn kém hơn, điều kiện để hạ lãi suất cho vay cạnh tranh cũng hạn chế hơn.

Thế nhưng, để giữ chân khách hàng tốt, có thể ngân hàng nhỏ phải lựa chọn hy sinh lợi nhuận, thậm chí lỗ cục bộ, bởi mất khách hàng là mất tất cả. Tiến xa hơn, để tiếp cận khách hàng lớn cũng vậy, mức độ chịu chơi về lãi suất cho vay càng căng hơn. Và thế nên mới có những tiếng “thì thầm”.

Cuối 2013 đầu 2014, một số ngân hàng lớn công bố các hợp đồng tín dụng khủng. Trong câu chuyện bên lề, cán bộ tín dụng một ngân hàng nhỏ ấm ức: “Chúng tôi cũng vừa có mấy khoản cho vay quy mô đáng kể với những đối tác đó, nhưng không công bố. Vì thỏa thuận giữa hai bên, có lẽ để tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác toàn diện với ngân hàng lớn mà khách hàng vừa ký thỏa thuận”.

Nhưng, hẳn còn có một lẽ khác. Họ tránh sự chú ý xung quanh về lãi suất của nhưng khoản vay “thì thầm” đó (?). Nhất là, vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhắc nhở về hiện tượng lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động…

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nêu quan điểm, trong bối cảnh hiện nay, khách hàng làm ăn tốt, minh bạch và an toàn nên được hưởng lãi suất thấp là rõ ràng. Lợi ích cuối cùng là cho khách hàng, chi phí cho sản xuất kinh doanh giảm bớt.

Ngân hàng cũng không hẳn thua thiệt. Giả dụ họ cho vay VND lãi suất chỉ 5 - 6%/năm, nhưng lãi suất huy động bình quân vẫn có thể thấp hơn, nhất là ở khối ngân hàng thương mại nhà nước có lợi thế tập trung các nguồn tiền gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn lãi suất rất thấp của các tổ chức lớn.

“Cứ cho lãi suất cho vay chỉ 5%/năm đi, cho vay vốn lưu động ngắn hạn, cũng tốt quá đi chứ. Còn hơn cho vay trên liên ngân hàng, suốt thời gian qua và hiện nay lãi suất kỳ hạn ngắn chỉ 2-3%/năm”, lãnh đạo ngân hàng trên so sánh, dĩ nhiên chỉ là tương đối vì tính chất rủi ro giữa hai thị trường là khác nhau.

Ông nhìn nhận thêm: “Sau rất nhiều năm doanh nghiệp mới được tiếp cận những mức lãi suất vay vốn dễ chịu như vậy. Đến thời điểm này, theo tôi, nếu doanh nghiệp nào còn bức xúc về lãi suất cho vay thì có lẽ tình hình hoạt động của họ có vấn đề”.

Với giả dụ trên, các ngân hàng nhỏ khó đủ sức để theo đuổi những mức lãi suất cho vay 5-6%/năm. Một loạt khoản vay khủng mà các ngân hàng lớn công bố thời gian gần đây, lãi suất là những tiếng “thì thầm”, nhưng hẳn là rất cạnh tranh tranh, bởi chính giữa các “ông lớn” cũng phải cạnh tranh với nhau.

Với ngân hàng nhỏ, cạnh tranh mở rộng ở tất cả các phân khúc khách hàng lại càng khó, nếu không nói chấp nhận rủi ro chi phí. Trong khi đó, các ngân hàng lớn cũng không chừa phân khúc nào, thậm chí đang đẩy mạnh cả ở mảng tín dụng tiêu dùng cá nhân từng một thời họ chẳng mấy mặn mà.

Ở hoạt động cơ bản và chính yếu là cho vay, ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh toàn diện và mở rộng, mà thời tín dụng bùng nổ trước đây đã qua. Vậy nên, bối cảnh hiện nay và tình thế này đang góp phần thúc đẩy các ngân hàng nhỏ triển khai tái cơ cấu, mà hợp nhất hoặc sáp nhập đang là một hướng lựa chọn.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.