Như vậy, theo ông Nghi, các doanh nghiệp thép cũng sẽ phải đối mặt với bài toán tăng giá.
Tuy nhiên, ông Nghi cũng cho rằng mức tăng bao nhiêu còn phải phụ thuộc vào giá nhập khẩu phôi, thép phế trên thế giới. Đây mới chính là nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, sức mua của thị trường trong thời gian tới cũng là một trong các yếu tố quyết định mức tăng của hàng hoá này.
Ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh văn phòng Hiệp hội Xi măng thì cho rằng, sau đợt điều chỉnh tăng thêm 60.000 đồng/tấn vào đầu tháng 2, các doanh nghiệp trong ngành hầu hết vẫn chưa có sự thay đổi về giá. Mặt hàng này đang được bán ra phổ biến từ 900.000 đồng - 1,36 triệu đồng/tấn, tuỳ theo chủng loại và khu vực. Nhưng sau hai lần giá xăng dầu được điều chỉnh với mức tăng rất cao, tới đây giá bán của vật liệu này sẽ không thể giữ nguyên.
“Trong khi hiện nay điện và xăng dầu đang chiếm từ 40-50% chi phí sản xuất của các nhà máy xi măng. Do đó, sang tháng 4, chắc chắn các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh giá để bù đắp cho các chi phí đầu vào” - ông Điệp nói.