Thời gian qua các nhà máy thép đẩy giá bán thép xây dựng lên khá cao, trong khi sức tiêu thụ của thị trường yếu. Để tiêu thụ được hàng, các hãng thép sẵn sàng trích mức hoa hồng cho đại lý, môi giới lên tới 1 triệu - 1,5 triệu đồng/tấn, còn giá bán lẻ trên thị trường cao ngất ngưởng.
Tăng giá kích thị trường
Giá phôi thép giảm mạnh nhưng giá thép vẫn rất cao. Ảnh: Tấn Thạnh
Tuy nhiên, sang tháng 9, sức tiêu thụ thép xây dựng bất ngờ giảm mạnh trở lại, chỉ còn 381.000 tấn và tháng 10 giảm còn 320.000 tấn. Nguyên nhân là do giới kinh doanh trữ hàng quá nhiều trong tháng 8, nhưng sau đó không tiêu thụ được hàng như dự kiến nên họ không còn mặn mà lấy thêm hàng. Nhiều người am hiểu thị trường thép xây dựng tiết lộ: Khi không bán được hàng, lẽ ra các hãng thép sẽ phải giảm giá trở lại để kích thích thị trường xây dựng. Thế nhưng họ đã không chọn cách này mà lại hợp sức để “neo” giá bằng cách móc nối với các mối làm ăn quen biết chi chiết khấu với mức cao, từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng/tấn để giữ giá thép trên thị trường ở mức 18,5 triệu - 18,6 triệu đồng/tấn. Do giá bán lẻ quá cao nên thị trường thép càng thêm ế ẩm. Theo thống kê sơ bộ, trong tháng 10, mức tiêu thụ thép xây dựng của Tổng Công ty Thép Việt Nam (văn phòng TPHCM), Công ty Thép Vina Kyoei, Công ty Thép Pomina… giảm đến 50%.
Chênh lệch giá quá lớn
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết từ tháng 10 đến nay, giá quặng sắt, phôi thép và cả thép phế liệu trên thị trường thế giới liên tục giảm (tổng mức giảm của giá phôi thép khoảng 100 USD/tấn). Dự báo giá sẽ còn tiếp tục giảm mạnh từ nay đến cuối năm và kéo dài đến những tháng đầu năm 2012.
Thế nhưng giá thép thành phẩm trong nước vẫn ở mức cao. Các hãng thép giải thích chưa thể giảm là do hiện nay các nhà máy vẫn còn sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu trước đó với giá cao; nếu giảm giá bán sẽ bị lỗ nặng. Còn theo giới kinh doanh, sở dĩ các hãng thép chưa chịu giảm giá là do sức tiêu thụ đang quá thấp, nếu giảm lúc này rất dễ tác động tâm lý khách hàng muốn chờ giá xuống nữa mới mua, lúc đó sẽ gây bất lợi cho nhà sản xuất.
Theo tính toán của giới chuyên môn: Thời điểm tháng 10, khi giá phôi thép còn ở mức 660 USD - 670 USD/tấn thì giá thành sản xuất thép xây dựng chỉ khoảng 16 triệu đồng/tấn. Đến nay, giá phôi chỉ còn 600 USD/tấn, tính ra giá thành sản xuất chưa tới 14 triệu đồng/tấn. Nếu cộng cả thuế GTGT thì giá bán cũng chưa tới 15,4 triệu đồng/tấn. Trong khi đó giá bán lẻ trên thị trường hiện nay lên đến 18,5 triệu đồng/tấn, một mức cách biệt quá lớn đối với mặt hàng thép.
Tăng giá rồi lại khuyến mãi Thông tin từ các cửa hàng vật liệu xây dựng tại TPHCM, sức tiêu thụ xi măng trong nhiều tháng qua giảm rất mạnh, so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm hơn 50%. Tuy sức tiêu thụ giảm nhưng gần đây, một số nhà máy xi măng lại đẩy giá bán tăng thêm khoảng 7.500 đồng/bao 50 kg. Hiện xi măng Hà Tiên 1 có giá bán lẻ 93.000 đồng/bao, Holcim 92.000 đồng/bao… Do tiêu thụ yếu nên nhiều hãng xi măng khuyến mãi mua 100 bao tặng 2 - 5 bao, tùy hãng. |