29/11/2011 8:21 AM
Như vậy là khuyến cáo của Hội đồng tư vấn phòng vệ thương mại (TRC) thuộc VCCI và Bộ Công thương đã xảy ra thực khi giữa tháng 11 vừa rồi, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm ống và ống dẫn thép hàn cacbon nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước. Đây là vụ kiện kép có phần vô lý, và dẫn đến nguy cơ thép Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị tính trùng, có nguy cơ dẫn đến việc tính hai lần biên độ phá giá hoặc trợ cấp.

Thép Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị kiện vô lý: Nguy cơ thiệt hại kép

Các doanh nghiệp thép cần phối hợp với các cơ quan chức năng để có ứng xử hợp lý với vụ kiện do Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng. Ảnh: Thái An

Những bất lợi của doanh nghiệp thép

Thể theo đề nghị vào ngày 26-10-2011 của nhóm công ty Allied Tube and Conduit, JMC Steel Group, Wheatland Tube, và Tập đoàn thép Hoa Kỳ (United States Steel Corporation), DOC đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Oman và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập. Điểm cần lưu ý trong vụ kiện này, đó là không chỉ DN thép có sản phẩm thép cacbon xuất khẩu bị cơ quan chức năng của Hoa Kỳ kiện, mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng bị kiện chống trợ cấp. Ngay sau khi DOC khởi xướng vụ kiện, Bộ Công thương Việt Nam đã có công hàm phản đối các cơ quan chức năng Hòa Kỳ. Trong đó nhấn mạnh, trong lịch sử, Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ đã từng ra phán quyết trong một vụ kiện là Luật Chống trợ cấp của Hoa Kỳ không áp dụng đối với một nước chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Bộ Công thương cũng khẳng định trong công hàm rằng, kết luận của cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO về một số vụ kiện của Trung Quốc với Hoa Kỳ là việc cùng lúc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp có nguy cơ dẫn đến việc tính hai lần hay tính trùng biên độ phá giá hoặc trợ cấp.

Nếu vụ việc xảy ra, chỉ cần mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp bị áp khoảng vài phần trăm, thì ống thép của ta sẽ không có khả năng xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Thêm nữa, không chỉ các DN đang có sản phẩm thép bị kiện xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị đánh thuế; mà trong tương lai, các sản phẩm tương tự của các DN thép khác của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng bị áp thuế.

Rõ ràng, cùng lúc chịu hai vụ kiện, các DN thép của Việt Nam đang ở thế bất lợi. Không những thế, vụ kiện này có Tập đoàn thép của Hoa Kỳ tham gia. Đây là đơn vị có tiềm lực tài chính, có sự ảnh hưởng đến thị trường thép Mỹ cũng như ảnh hưởng với chính cơ quan tiến hành điều tra. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó ban Pháp chế VCCI nhận định, đây là những đơn vị có sức ép nhất định đối với Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ, cơ quan trực tiếp điều tra về thiệt hại do thép nhập khẩu từ Việt Nam gây ra đối với ngành thép của Hoa Kỳ.

Cần phối hợp hành động

Điều quan trọng lúc này là các DN thép cần phối hợp với Hiệp hội, với TRC và Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương để có ứng xử hợp lý. Bộ Công thương cho biết đã cùng làm việc với Hiệp hội Thép Việt Nam, các DN xuất khẩu ống thép, hướng dẫn các DN các thủ tục cần thiết để đạt kết quả tốt nhất trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, không nhất thiết DN thép nào cũng phải tham gia vụ kiện. Ngoài những bị đơn bắt buộc (thường phía cơ quan chức năng Hoa Kỳ sẽ lựa chọn ba DN có lượng thép bị kiện xuất khẩu nhiều nhất vào nước này), thì chỉ những DN đang và sẽ xuất khẩu sản phẩm ống thép thuộc diện bị kiện vào Hoa Kỳ mới nên tham gia vụ kiện. Những DN khác nếu có nhu cầu xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong tương lai, có thể tự nguyện tham gia với tư cách bị đơn tự nguyện.

Đối với những DN tham gia vụ kiện, điều quan trọng là tìm cách giảm thiểu chi phí, mà lại có hiệu quả kháng kiện cao nhất. Vì là vụ kiện kép, nên cả DN và cơ quan chức năng của ta đều phải kháng kiện. Luật sư của hai nhóm bị đơn này có thể phối hợp với nhau để thống nhất các vấn đề cần kháng kiện. Theo khuyến cáo của VCCI, những DN là bị đơn bắt buộc nên thuê luật sư riêng. Còn những DN là bị đơn tự nguyện nên thuê chung luật sư để tiết kiệm, vì những đơn vị này không phải trả lời nhiều bảng câu hỏi, và các bảng câu hỏi cũng đơn giản hơn bị đơn bắt buộc.

Sẽ có hai cơ quan chức năng của Hoa Kỳ tham gia điều tra vụ kiện này, đó là DOC và Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ. DOC sẽ điều tra trực tiếp từ các DN thép của Việt Nam, còn Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ sẽ điều tra phần thiệt hại mà DN thép của Việt Nam gây ra đối với các DN và ngành thép Hoa Kỳ nếu có. Do đó, theo VCCI, các DN thép của Việt Nam nên phối hợp với DN thép các nước cùng bị kiện lần này để cùng chứng minh ngành thép của Hoa Kỳ không bị thiệt hại. Như thế tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn, khả năng thắng kiện cao hơn. Vì, chỉ cần chứng minh ngành thép của Hoa Kỳ không bị thiệt hại là đủ để DOC không thể áp thuế chống bán phá giá đối với thép các nước.

Vấn đề nữa DN thép cần chú ý lúc này là thời hạn các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đưa ra để các DN thép Việt Nam thực hiện các yêu cầu của họ. Căn cứ vào ngày khởi xướng vụ kiện của DOC và luật của Hoa Kỳ, thì trong vụ việc chống bán phá giá, dự kiến ngày 3-4-2012, DOC sẽ ra quyết định sơ bộ. Ngày 25-6-2012 sẽ ra kết luận chính thức. Với vụ kiện chống trợ cấp, dự kiến ngày 19-1-2012, DOC sẽ ra kết luận sơ bộ, và ra kết luận chính thức vào ngày 3-4-2012. Trong trường hợp có sức ép về thời gian, các DN thép nên đề nghị phía DOC gia hạn. Tuy nhiên, quyết định gia hạn hay không là của DOC.

Theo Vũ Đào (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.