“Giá phụ thuộc cung cầu, nếu giá nguyên liệu thế giới lên thì buộc các DN sản xuất phải tăng giá chứ không còn cách nào khác. Trách nhiệm của Hiệp hội Thép là đảm bảo cân bằng cung cầu, đảm bảo năng lực đáp ứng thị trường của DN sản xuất, không để xảy ra khan hàng”, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định như vậy với phóng viên Bee, trước câu hỏi Hiệp hội phải làm gì trước yêu cầu bình ổn giá từ nay đến cuối năm.
“Nếu giá trong nước bất hợp lý thì thép ngoại sẽ tràn vào ngay, làm sao ngăn được. Các DN nhập khẩu thép hầu hết không phải là thành viên của Hiệp hội. Vì vậy các nhà máy sản xuất thép phải luôn đảm bảo đáp ứng đủ cho thị trường”, ông Nghi nói.
Hiện tại thép thành phẩm nhập khẩu chủ yếu là các loại thép phi 6, phi 8, DN trong nước không sản xuất. Xuất khẩu thép từ đầu năm đến nay tăng 150% so với cùng kỳ. Song theo ông Nghi, tính về kim ngạch thì như vậy nhưng số lượng thì cũng không đáng bao nhiêu.
Từ đầu năm đến nay thép đã 2 lần tăng giá mạnh, nguyên nhân chủ yếu do giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng cao, trong khi các DN trong nước mới chủ động được khoảng 50% nhu cầu phôi thép nguyên liệu cho sản xuất.
Trong nhóm 5 giải pháp bình ổn thị trường cuối năm, do Chính phủ chỉ đạo, nhóm giải pháp thứ nhất thuộc về trách nhiệm của DN sản xuất: Khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.