Do khu tái định cư Hiệp Phước 1 (ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) chưa xong hạ tầng, người dân diện tái định cư không thể vào xây dựng nhà để ở được. Ngày tết đang đến gần, cuộc sống của các hộ dân này hiện rất khó khăn, vì sau khi nhận nền đất thì không còn được nhận tiền tạm cư.

Người dân khó xây dựng nhà để vào ở, vì hạ tầng còn quá sơ sài, chất lượng thấp

Ở không được, đi không xong

Dù đã cận tết, khu tái định cư Hiệp Phước 1 vẫn im ắng đến lạ. 8 ngôi nhà nằm trơ trọi giữa đồng cỏ, cây dại cao ngập đầu. Thi thoảng mới có người dân vào đây thăm nền nhà được giao, đứng nhìn quanh rồi ngậm ngùi quay về. Ai cũng mang tâm trạng thấp thỏm, buồn, vì lại thêm một cái tết phải sống tạm cư trong phòng trọ.

Tại ấp 2 (xã Hiệp Phước) - nơi giải tỏa để xây dựng khu công nghiệp, cảng biển, một số cư dân chưa di dời cũng đang trong tình cảnh khó khăn, đi không xong mà ở cũng không được khi nhà cửa, vườn tược đã bị giải tỏa, thu hồi.

Ngồi trong căn nhà tạm bên đường, bà Lê Thị Ba cho biết: “Cũng như nhiều gia đình khác ở ấp 2, gia đình tôi đã nhận nền, nhưng chưa thể làm nhà vì hạ tầng chưa xong. Theo quy định chung, khi người dân nhận nền trong khu tái định cư là phải bàn giao nhà cũ và bị cắt tiền tạm cư.

Nếu không nhận nền trong khu tái định cư thì sợ sau này không còn nền, như những dự án khác. Gia đình tôi còn may mắn hơn nhiều người, vì được phép dựng tạm mái che ở đây để làm chỗ ở chờ xây nhà, nên không phải ở nhà thuê”. Căn nhà tạm mái tôn, tường gạch chỉ được xây cao 2m, phần còn lại làm bằng tấm che tạm bợ.

Nằm trơ trọi giữa khu giải tỏa là 3 căn nhà của gia đình anh Hồ Văn Thao. Anh Thao kể: “Gia đình tôi cùng người anh chưa được bố trí nền tái định cư nên còn ở lại. Gia đình mẹ tôi đã nhận nền ở khu tái định cư nhưng chưa thể cất nhà để chuyển vào ở, vì khu tái định cư chưa có hạ tầng. Cả đại gia đình phải ở lại thêm một tết nữa. Ngày tết đến gần, cuộc sống của những người ở lại không dễ dàng. Ao tôm không còn nữa, hàng ngày tôi phải đi đánh bắt tôm cá tự nhiên để nuôi sống gia đình. Lại thêm một cái tết buồn”.

Trong khi người dân mong sớm được an cư thì khu tái định cư Hiệp Phước 1 vẫn còn ngổn ngang, mặt nền thấp nên ngập nước khi triều cường, đường chưa sử dụng đã xuống cấp.

Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè, 79 hộ dân bị giải tỏa (thuộc dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 và Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước) được bố trí vào khu tái định cư Hiệp Phước 1. Nhu cầu an cư của người dân hết sức bức thiết, thế nhưng tết này mới có 10% số hộ dân xây dựng nhà ở, còn hơn 90% hộ dân vẫn phải tạm cư, chờ đợi.

Chủ đầu tư nói gì?

Để đảm bảo chỗ ở mới cho những hộ tái định cư phải tốt hơn, chí ít cũng ngang bằng nơi ở cũ, TPHCM đã giao cho Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm chủ đầu tư khu tái định cư Hiệp Phước 1 giai đoạn 1, kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, sản phẩm của IPC làm ra không đạt yêu cầu, hạ tầng thiếu, lại không đảm bảo chất lượng.

Trả lời về việc người dân chưa thể tái định cư, ông Dương Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh doanh Phát triển của IPC, cho biết: “IPC được giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án khu tái định cư Hiệp Phước 1, còn việc bố trí tái định cư thuộc về chính quyền địa phương. Vì thế, đơn vị không nắm được số lượng hộ đã nhận nền tái định cư cũng như số lượng các hộ đã xây dựng nhà trong khu dân cư. Chính quyền địa phương là cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm”.

Trả lời câu hỏi vì sao chất lượng hạ tầng khu tái định cư thấp, đường sá chưa sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp, ông Phan Văn Phúc, chuyên viên Ban Quản lý dự án, thông tin: “Đến tháng 11-2017, dự án mới hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa. Hiện nay dự án khu tái định cư vẫn đang trong giai đoạn thi công, nhiều hạng mục đang triển khai, chưa nghiệm thu”.

Được hỏi vì sao dự án chưa nghiệm thu mà đã bố trí tái định cư, giao nền cho người dân xây dựng nhà, ông Phúc lúng túng, cho rằng nội dung này vượt quá thẩm quyền, sẽ báo cáo cho lãnh đạo và có văn bản trả lời sau.

Trần Yên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.