Sau khi kiểm tra, giám sát và kiểm toán, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm ở một số trạm thu phí BOT đường bộ, đặc biệt là việc thu phí luôn được các nhà đầu tư khai thấp hơn con số thực tế. Điều này lý giải vì sao các trạm thu phí thường có thời gian thu phí kéo dài đến hàng chục năm.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: VIDIFI
Theo báo cáo mới được công bố của Kiểm toán Nhà nước về dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thì dự án này tính toán khối lượng, áp dụng sai đơn giá, dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền gần 34 tỉ đồng.
Sau khi dự án đưa vào khai thác ngày 5-12-2015, chủ đầu tư vẫn hạch toán chi phí lãi vay trong khoảng thời gian 6 tháng tiếp theo vào chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, báo cáo kiểm toán cho thấy phương án tài chính xác định nợ gốc phải trả chưa chính xác theo giá trị thực tế. Thực tế nợ gốc tại thời điểm 31-12-2015 là 27.558 tỉ đồng, tuy nhiên trên phương án tài chính lại xác định là 32.123 tỉ đồng.
Sau khi tính toán các con số được kiểm toán, theo Kiểm toán Nhà nước, thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 8 tháng 27 ngày (giảm 1 năm 3 tháng 3 ngày so với phương án tài chính điều chỉnh của dự án đang trình Bộ GTVT thẩm định).
Khi kết quả kiểm toán được công bố, trả lời trên báo Lao Động ngày 13-2, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TổngcCông ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), cho biết, VIDIFI thống nhất với kết quả kiểm toán và điều chỉnh giảm thời gian hoàn vốn của dự án hơn 1 năm so với kế hoạch trước đó.
Một dự án khác ở phía Bắc là đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang cũng bị phát hiện khai không đúng số phí thu được.
Theo kết quả kiểm tra, giám sát của Tổng cục Đường bộ được công bố hôm 10-2, qua kiểm tra việc thu phí tại trạm thu phí Hà Nội – Bắc Giang trong 10 ngày (từ ngày 16 đến 26-12-2016), số phí đối với vé lượt trong thời gian giám sát bình quân là 1,099 tỉ đồng/ngày. Trong khi con số bình quân mà chủ đầu tư báo cáo thu được là 1,015 tỉ đồng/ngày (chênh lệch 8,27%, tương đương 84 triệu đồng/ngày).
Trước đó, Tổng cục Đường bộ cũng đã kiểm tra và phát hiện trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khai không đúng số phí thu được. Cụ thể, số phí thu được bình quân một ngày là 1,97 tỉ đồng, trong khi chủ đầu tư báo cáo số thu bình quân (trừ đi số thu vé tháng và thu quí) chỉ là 582 triệu đồng/ngày; nghĩa là chủ đầu tư chỉ báo cáo số thu bằng 29% so với số thu thực tế.
Một dự án BOT khác là dự án cầu Cổ Chiên (nằm trên quốc lộ 60 nối 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre), kết quả kiểm toán cho thấy tổng mức đầu tư thực tế thấp hơn so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt.
Cụ thể ở dự án cầu Cổ Chiên, thời gian thu phí hoàn vốn sau khi kiểm toán là 11 năm 10 tháng , giảm 5 năm 24 ngày so với phương án tài chính ban đầu, doanh thu thu phí giảm 2.089 tỉ đồng so với phương án tài chính ban đầu. Ở dự án này Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, giảm lợi nhuận nhà đầu tư hơn 433 tỉ đồng, giảm lãi vay hơn 1.000 tỉ đồng và giảm thời gian thu phí dự án 5 năm 24 ngày.
Đây là một trong những dự án BOT có tỷ lệ chênh lệch rất lớn giữa phương án tài chính ban đầu và phương án sau khi được kiểm toán.
Điều này phản ánh sự yếu kém trong việc lập, thẩm định dự toán công trình của nhà thầu tư vấn và các cơ quan thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Đây là nguyên nhân làm đội giá thành dự án và là nguyên nhân khiến phí sử dụng đường bộ cao và thời gian thu phí kéo dài gây ra sự bức xúc trong dư luận trong thời gian qua.
Lê Anh (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.