Ngày 9/9, các khách hàng mua nhà của dự án Văn Phú Victoria do Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest làm chủ đầu tư nhận được thông báo đến ký kết hợp đồng mua bán căn hộ.
Tuy nhiên, để ký hợp đồng mua bán chuyển từ đơn vị thứ cấp sang ký với chủ đầu tư thì khách hàng đồng thời phải ký thêm một “Thỏa thuận đảm bảo thực hiện hợp đồng” với điều khoản là khách hàng tự nguyện gửi chủ đầu tư 25% tổng giá trị hợp đồng và phải thanh toán ngay sau ký mà không được hưởng lãi suất.
Dự án Văn Phú Victoria
Theo phản ánh của anh T, một khách hàng mua dự án Văn Phú Victoria, chỉ những khách hàng đã đóng đủ 70% giá trị căn hộ mới được chuyển đổi từ hợp đồng với đơn vị thứ cấp sang ký với chủ đầu tư.
Trong hợp đồng mua bán này cũng ghi rõ là 55% nộp ngay khi ký hợp đồng, sau 1 tháng thì nộp tiếp 5%, sau 3 tháng thì nộp tiếp 15%, còn 30% sẽ nộp khi giao nhà.
Chính vì vậy, việc chủ đầu tư đơn phương yêu cầu khách hàng đóng thêm 25% là một “mánh khóe” nhằm nâng tổng giá trị huy động cho dự án lên đến 95%..
“Đây là hoạt động hoàn toàn vô lý, không có căn cứ và sai luật chứ chưa nói gì đến việc tôn trọng khách hàng”, anh T bức xúc nói.
Tại khoản 1, Điều 39, Luật Nhà ở 2005 có quy định rõ ràng: “Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng.”
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định 02 ban hành ngày 05/01/2006 về quy chế khu đô thị mới cũng quy định rất rõ: “Nghiêm cấm việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động vốn, chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức.
Ngày 10/9 tại trụ sở Văn Phú Invest, một số khách hàng yêu cầu chủ đầu tư đối chất thương lượng nhưng chủ đầu tư vẫn kiên giữ nguyên ý kiến.
Một nhóm khách hàng tuyên bố nếu chủ đầu tư không thương lượng thì họ cũng không thể chấp nhận và ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư được và sẽ tiếp tục tập hợp lại để đấu tranh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng): “Luật Nhà ở quy định, chủ đầu tư được huy động tối đa không được quá 70% giá trị hợp đồng mua nhà. Số tiền còn lại trong hợp đồng, khi nào chủ đầu tư bàn giao nhà mới được thu nốt. Luật quy định như thế để bảo vệ người tiêu dùng.
Vì vậy, nếu chủ đầu tư thu quá là sai quy định của Nhà nước. Bản thân người mua nhà trong trường hợp này cũng sai, vì biết như thế mà cứ nộp tiền, vì vậy rất khó trách người khác”.
“Thực tế, việc doanh nghiệp thu tiền như thế là sai và sẽ xử lý. Nếu việc sai đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia hợp đồng thì pháp luật sẽ đứng ra bảo vệ” - Ông Hà nói.