Việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sẽ góp phần thu hút thêm nhiều dự án FDI chất lượng cao. Trong ảnh: Toàn cảnh Khu công nghiệp Tràng Duệ, với nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Nhiều dư địa phát triển
Theo đánh giá của các chuyên gia, về cơ cấu kinh tế, cả thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đều có cơ cấu kinh tế tương đồng với tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 74%, là các địa bàn công nghiệp trọng điểm. Trong đó, với 2 Khu kinh tế chiến lược là Đình Vũ - Cát Hải đang hoạt động hiệu quả và Khu kinh tế ven biển phía Nam đang trong giai đoạn hình thành, cùng với đó là mạng lưới 18 khu công nghiệp hiện hữu trải rộng trên diện tích hơn 7.000 ha, Hải Phòng thành công kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp đa dạng, năng động và có sức hút mạnh mẽ.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Trong 4 năm liên tiếp (2021-2024), Hải Phòng đứng trong tốp 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Năm 2024, Hải Phòng đạt kết quả ấn tượng với tổng vốn đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, vượt 145% so với kế hoạch đề ra. Đến nay, Hải Phòng có 1.063 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 34,62 tỷ USD của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, dòng vốn đầu tư tập trung mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, dịch vụ cảng biển và logistics, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Về phía Hải Dương, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 32 khu công nghiệp, với tổng diện tích 5.661 ha. Đến nay, tỉnh lập được 18 khu công nghiệp với tổng diện tích theo quy hoạch xây dựng khoảng 2.973,3 ha. Đến năm 2030, 14 khu công nghiệp còn lại sẽ được triển khai theo đúng quy hoạch. Trong đó, định hướng trọng tâm là phát triển các khu công nghiệp theo mô hình sinh thái, tích hợp công nghệ cao, quản lý thông minh và bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa kinh tế - môi trường - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương cho biết: Quý 1-2025, các khu công nghiệp ở Hải Dương thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài là 125 triệu USD. Riêng vốn đầu tư trong nước đã đạt 7.000 tỷ đồng, đạt 87,5% mức kế hoạch cả năm nay. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 450 dự án đầu tư còn hiệu lực (18 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và 432 dự án đầu tư thứ cấp).
Toàn cảnh Khu công nghiệp DEEP C
Cộng hưởng thế mạnh để thu hút đầu tư
Hải Phòng sở hữu hệ thống cảng biển hiện đại, đặc biệt là cảng Lạch Huyện - cảng nước sâu đầu tiên ở miền Bắc, cùng với sân bay quốc tế Cát Bi và mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Thành phố cũng có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế đã được quy hoạch và phát triển đồng bộ, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư. Tuy nhiên, Hải Phòng cũng đối mặt với một số thách thức, như quỹ đất công nghiệp hạn chế, chi phí thuê đất và nhân công có xu hướng tăng, và áp lực về môi trường do quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng.
Trong khi đó, với vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, quỹ đất công nghiệp lớn, nguồn nhân lực dồi dào và chi phí cạnh tranh, Hải Dương đã và đang trở thành “vệ tinh chiến lược” hấp dẫn với nhiều tập đoàn công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao. Đây cũng là những “mảnh ghép” mà Hải Phòng đang còn thiếu để có thể đưa nền công nghiệp phát triển bứt phá hơn nữa.
Theo quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2030, Hải Phòng và Hải Dương sau hợp nhất có 46 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 12.000 ha. Hải Phòng với hệ thống cảng biển, sân bay và các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện đại sẽ là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa, trong khi Hải Dương với quỹ đất lớn và nguồn lao động dồi dào sẽ là nơi phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế mới. Sự cộng hưởng này sẽ giúp giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, và thu hút nhiều hơn các dự án FDI chất lượng cao. Đồng thời, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế liên vùng sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng cho các sản phẩm.
Hiện, tỉnh Hải Dương đang đẩy nhanh các dự án khu công nghiệp, nhất là Dự án Khu kinh tế chuyên biệt tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện với tổng diện tích khoảng 5.300 ha. Đây là chủ trương thể hiện khát vọng phát triển để đưa Hải Dương bứt phá tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh trung tâm đồng bằng Bắc bộ. Đồng chí Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: Khu kinh tế ven biển Hải Phòng khi kết hợp các vùng kinh tế năng động, Khu kinh tế chuyên biệt của Hải Dương sẽ tạo nên hai cực phát triển kinh tế mạnh, tương hỗ nhau để hình thành chuỗi giá trị toàn diện, gia tăng giá trị xuất khẩu, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Có thể nói, việc hợp nhất không gian phát triển giữa Hải Phòng và Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo nên cực tăng trưởng công nghiệp - dịch vụ mới có sức cạnh tranh hàng đầu khu vực phía Bắc. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để thành phố thực hiện thành công Nghị quyết 45, Kết luận 96 của Bộ Chính trị, sớm trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, động lực phát triển của vùng và cả nước, cùng non sông Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.
-
Tập đoàn Trung Quốc muốn phát triển khu công nghiệp quốc tế tại Hải Phòng
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường đã có buổi tiếp và làm việc với Tập đoàn Zhenxing (Trung Quốc) nhằm thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác thương mại và công nghiệp quốc tế giữa thành phố cảng và thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
-
Hải Dương – Hải Phòng thống nhất phương án hợp nhất 24 sở, ngành
Mới đây tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông (Hải Dương), lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng đã có buổi làm việc quan trọng nhằm “chốt” phương án sắp xếp các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh trong quá trình hợp nhất hai địa phương.
-
UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành Thông báo số 123 về kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng tại buổi đối thoại với cư dân đang sinh sống tại các chung cư do Thành phố đầu tư bằng ngân sách. Cuộc làm việc ngày 23/5 xoay quanh hàng loạt kiến nghị liên quan đến giá thuê, quyền sở hữu, và tình trạng trục lợi chính sách nhà ở công.








-
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm
Sau khi hợp nhất, cùng với việc khẩn trương kiện toàn tổ chức, ổn định hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã, các địa phương nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, công tác rà soát, phối hợp tháo gỡ vướng mắc để đẩy nha...
-
Cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Hải Phòng sau hợp nhất: Bảo đảm chính xác, đồng bộ và thông suốt
Việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đặt ra yêu cầu cao đối với công tác cập nhật, đồng bộ dữ liệu đất đai. Đây là nền tảng quan trọng góp phần liên thông thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp....
-
Hải Phòng đăng cai ABAC 3: Chủ động hội nhập, đón làn sóng đầu tư mới
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ 3 và các hoạt động bên lề, diễn ra từ ngày 15 đến 18-7-2025 tại Hải Phòng cơ bản đã hoàn tất. Sự kiện không chỉ là dấu mốc quan trọng về đối ngoại, mà còn ...