06/06/2021 12:00 PM
Một mặt tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại khối doanh nghiệp nhà nước, mặt khác, các cơ quan quản lý cũng tăng cường quản lý, giám sát để kịp thời ngăn chặn và xử lý trục lợi “đất vàng” từ cổ phần hóa.

Dự án Florence Mỹ Đình (màu xanh) của Phục Hưng Holdings trên đường Trần Hữu Dực vốn là một khu đất được thâu tóm từ hoạt động cổ phần hóa

Làm rõ quá trình sử dụng đất

Trung tuần tháng 5/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT hướng dẫn chi tiết về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Theo đó, từ ngày 28/6/2021, doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa có trách nhiệm lập báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng đất đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp gửi cơ quan chủ quản phê duyệt theo quy định. Ngoài yêu cầu báo cáo chi tiết về diện tích, loại đất, số lượng đất đang quản lý, sử dụng…, Thông tư cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải nêu rõ thời hạn sử dụng đất, diện tích đất sử dụng đúng mục đích…

Động thái mới này cho thấy cơ quan quản lý muốn giám sát chặt chẽ hơn hoạt động cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch và hiệu quả, tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước, khi mà tiến trình cổ phần còn khá ì ạch như hiện nay. Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, lũy kế giai đoạn 2016-2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng và riêng giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Trong số này, có 128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ 37 doanh nghiệp hoành thành việc cổ phần hóa (đạt 29% kế hoạch).

Như vậy, kết thúc năm 2020, còn 91 doanh nghiệp chưa được cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách nhưng chưa thực hiện cổ phần hóa có thể kể tới là TP. Hà Nội còn 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty); TP.HCM còn 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty); Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công thương còn 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty); Bộ Xây dựng còn 2 tổng công ty…

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết, đã thoái vốn tại 3 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, còn lại chủ yếu là thoái vốn tại các công ty con thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Thái Sơn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam...

Trong số 91 doanh nghiệp nêu trên, nhiều doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất lớn, vị trí đắc địa ở nhiều địa phương trên cả nước và được thị trường, nhà đầu tư quan tâm, nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể cổ phần hóa. Đơn cử, tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Saigontourist thuộc nhóm cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, việc cổ phần hóa gặp khó khăn khi Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn gồm Khách sạn Bến Thành - Rex Hotel, Khách sạn Cửu Long - Majestic Hotel, Khách sạn Hoàn Cầu - Continental Hotel và Khách sạn Kim Đô đều thuộc diện có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn cũng như mang tính đảm bảo an ninh - quốc phòng. Do tính chất phức tạp của các tài sản cùng việc doanh nghiệp đang có khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất với các tổ chức nước ngoài, nên UBND TP.HCM đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chưa cổ phần hóa Saigontouris.

Hay như Agribank, dù hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, nhưng đang quản lý khoảng 2,6 triệu m2 đất. Đây là nguồn tài sản rất lớn nên khi cổ phần hóa Ngân hàng cần phải tính toán kỹ lưỡng, chưa kể số đất đai này nằm rải rác khắp cả nước, lại được tích tụ qua nhiều giai đoạn khác nhau, nên nguồn gốc hồ sơ, thủ tục rất phức tạp.

Chống thất thu hàng nghìn tỷ đồng

So với khối doanh nghiệp tư nhân, khối doanh nghiệp nhà nước có nhiều lợi thế về đất đai, nhưng mô hình quản lý lỏng lẻo nên dễ gây thất thoát, mà trường hợp của 3 “ông lớn” Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một minh chứng.

Theo Thanh tra Chính phủ, 3 “ông lớn” này được giao quản lý hàng trăm ngàn héc-ta đất nông, lâm nghiệp và đất phi nông nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng vì buông lỏng quản lý dẫn đến hàng chục ngàn héc-ta đất nông, lâm nghiệp bị lấn chiếm; giai đoạn trước cổ phần hóa đã dùng nhiều cơ sở nhà đất ở vị trí “vàng” để góp vốn liên doanh, liên kết; thoái vốn không qua đấu giá, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong đó, riêng Vinafor để diện lích đất bị lấn chiếm chưa thu hồi được lên tới 7.396.73 ha, chiếm 15,44% tổng diện tích đất được giao, thuê.

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã phất lên nhờ thâu tóm đất vàng giá rẻ không qua đấu giá rồi xây dựng thành các chung cư cao tầng đắt đỏ như Phục Hưng Holdings với 9.900 m2 đất của trại lợn giống cũ thuộc Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hà Nội trên đường Trần Hữu Dực (Hà Nội), hay TSG Việt Nam thu lợi lớn với dự án TSG Lotus Sài Đồng vốn có nguồn gốc đất nhà nước do Công ty cổ phần Cơ điện công trình quản lý...

Theo ước tính của TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu ngân sách từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà doanh nghiệp nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa.

Do đó, việc tăng cường giám sát với các hoạt động cổ phần hóa, đặc biệt là với các doanh nghiệp có nhiều đất là cần thiết, nhằm đảm bảo sắp xếp lại quỹ đất đai hợp lý. Đơn vị nào thừa đất, sử dụng đất không đúng mục đích thì sẽ thu hồi, chuyển cho doanh nghiệp khác. Khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần thì đất đai cũng phải được sử dụng đúng mục đích đã xác định trước đó và trả tiền thuế đất hàng năm.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 60/2018/QH14, trong đó nêu rõ: “Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, quan điểm của cơ quan quản lý sắp tới là doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sai thì dứt khoát thu hồi. Ví dụ, phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa là để xây dựng văn phòng, làm nhà xưởng…, nhưng sau cổ phần hóa lại chuyển sang làm trung tâm thương mại, mở nhà hàng, quán nhậu… không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì dứt khoát phải thu hồi.

Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017. Năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra nội dung này và nếu không có gì thay đổi, Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thanh tra tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Linh Trang (Tin nhanh chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.