Diễn biến tồi tệ trên thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đêm qua xuất phát từ cùng một nỗi lo, nguy cơ vỡ nợ công tại Hy Lạp có thể chuyển thành khủng hoảng ngân hàng toàn cầu và giới đầu cơ đã tìm cách bán tống bán tháo các loại cổ phiếu ngân hàng, khiến khối lượng giao dịch tăng vọt.
Thế giới sẽ đối mặt khủng hoảng ngân hàng?
Thị trường tài chính toàn cầu đang đứng trước nhiều mối nguy hiểm, xuất phát từ tình hình bất ổn ở khu vực châu Âu.

Trước đó, tối 2/10, Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết, Chính phủ nước này đã thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2012. Theo đó, do suy thoái kinh tế trầm trọng hơn dự kiến, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp năm 2011 được điều chỉnh từ mức dự kiến ban đầu 7,6% GDP theo thoả thuận với các nhà cho vay quốc tế, lên mức 8,5% GDP.

Năm 2012, thâm hụt ngân sách Hy Lạp dự kiến ở mức 6,8% GDP so với 6,5% theo mục tiêu ban đầu. Trước đó, Athens đã có kế hoạch tiết kiệm 6,6 tỷ Euro (8,83 tỷ USD) thông qua việc thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và dự kiến gói các biện pháp cải cách sẽ được thực hiện đầy đủ vào năm 2013.

Việc Hy Lạp quyết tâm cắt giảm thâm hụt ngân sách là một điều đáng mừng, song điều này cũng cho thấy rằng, Hy Lạp sẽ không thể thực hiện được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay và năm tới như đã cam kết trong gói giải cứu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi năm ngoái.

Dự báo của Chính phủ Hy Lạp phù hợp với nhận định của IMF trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế Thế giới" được công bố hồi tháng 9/2011, song tồi tệ hơn nhiều so với đánh giá theo tinh thần của gói cứu trợ chung EU-IMF rằng kinh tế Hy Lạp sẽ trở lại khu vực tăng trưởng vào năm tới.

Chính phủ Hy Lạp cho rằng việc nước này không thể đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách theo yêu cầu của EU và IMF là do kinh tế suy giảm trầm trong hơn dự kiến. Chính đà suy thoái sâu hơn dự đoán đó sẽ khiến Hy Lạp khó khăn hơn trong việc thu ngân sách và đáp ứng các mục tiêu cắt giảm ngân sách.

Ngoài ra, Hy Lạp cũng đã thông qua chương trình "lao động dự phòng" đối với khoảng 30.000 công chức từ nay đến cuối năm nhằm cắt giảm chi tiêu công và đáp ứng tất cả các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2014. Các công chức thuộc diện "lao động dự phòng" chỉ được nhận 60% lương tháng trong vòng 12 tháng trước khi bắt đầu bị sa thải.

Các chuyên gia kiểm toán của IMF, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từng nhiều lần hối thúc Chính phủ Hy Lạp tinh giản biên chế trong khu vực công ngay lập tức, song Athens đang phải đối mặt với trở ngại lớn vì các công chức Hy Lạp được bảo vệ bằng hiến pháp.

Dự luật ngân sách 2012 của Hy Lạp được đưa ra trong bối cảnh giới thị trường đang lo ngại nguy cơ nước này bị cỡ nợ quốc gia. Một số nhà phân cho rằng Hy Lạp đang đối mặt với nguy cơ không nhận được khoản giải ngân tiếp theo trị giá 8 tỷ Euro (10,9 tỷ USD) từ các nhà tài trợ và có thể bị vỡ nợ trong tháng 11 tới.

Theo các nhà phân tích tại chỗ, bước đi này của Chính phủ Hy Lạp có thể mở đường cho việc giải ngân khoản cứu trợ thứ sáu trị giá 8 tỷ Euro trong gói cứu trợ tài chính trị giá 110 tỷ Euro của EU và IMF nhằm tránh cho nước này khỏi nguy cơ phá sản vào tháng 11 tới, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với châu Âu và cả thế giới.

Phản ứng tức thì với thông tin Hy Lạp không đạt các mục tiêu cam kết là việc đồng Euro trên thị trường châu Á chiều qua rơi xuống vùng 1,3311 USD, thấp nhất kể từ ngày 18/1, so với 1,3451 USD tại New York cuối tuần trước. Đồng tiền châu Âu cũng giảm xuống 102,75 Yên, so với 103,12 Yên cuối tuần qua.

Tuy nhiên, vấn đề của Hy Lạp không chỉ dừng ở mối đe dọa kinh tế khu vực đồng Euro mà còn bị đẩy cao hơn thành nguy cơ khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, mà trước hết là vận mệnh của những tổ chức cho vay tại châu Âu có liên quan tới các khoản nợ của quốc gia nặng gánh này.

Hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Moody's đã bất ngờ đưa ra cảnh báo về khả năng thanh khoản của tập đoàn tài chính Pháp - Bỉ Dexia. Cổ phiếu của Dexia ngay lập tức rớt hơn 10% giá trị. Điều này cũng ngay lập tức ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ, điển hình như cổ phiếu của Morgan Stanley trượt 7,6%.

Sự lao dốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu. Cụ thể, Dow Jones trượt tới 258,08 điểm, tương ứng 2,36%, xuống 10.655,30 điểm. S&P 500 giảm 32,19 điểm, tương ứng 2,85%, xuống còn 1.099,23 điểm. Nasdaq Composite hạ mạnh 79,57 điểm, tương ứng 3,29%, xuống chốt ở 2.335,83 điểm.

Tại châu Âu, các sàn chứng khoán khu vực này cũng thoái lui mạnh trong phiên đêm qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 52,98 điểm, tương ứng 1,03%, xuống 5.075,50 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 55,13 điểm, tương ứng 1,85%, xuống 2.926,83 điểm. Chỉ số DAX của Đức trượt mạnh 125,32 điểm, tương ứng 2,28%, xuống 5.376,70 điểm.

Diễn biến xấu còn xảy ra trên thị trường xăng, dầu quốc tế. Khép phiên giao dịch 3/10, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 1,59 USD, tương ứng 2%, xuống mức 77,61 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Với hai phiên giảm giá liên tiếp, hiện dầu thô tương lai đang đứng ở mức thấp nhất kể từ ngày 28/9/2010.

Và tất nhiên, trong những bối cảnh hỗn loạn như thế này, giá vàng lại được dịp nhảy vọt. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex tăng 35,4 USD lên 1.657,7 USD/ounce. Giá vàng giao ngay lên 1.660,9 USD/ounce. Sáng nay trên thị trường châu Á, giá vàng tiếp tục đi lên và hiện ở 1.667,3 USD/ounce.

Trên thực tế, nguy cơ của khu vực châu Âu không chỉ tới bản dự thảo ngân sách của Hy Lạp mới bùng nổ, mà ngay từ cuối tuần trước, khi Khu vực đồng Euro công bố mức lạm phát tăng 3% cũng khiến nhà đầu tư bất an trở lại và đẩy ngân hàng trung ương khu vực vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Thêm vào đó, phát biểu hôm 2/10 của Thủ tướng Anh David Cameron càng khiến những lo lắng trên các thị trường bị đẩy cao hơn. Ông Cameron cho rằng, Khu vực đồng tiền chung châu Âu phải tiếp tục giải quyết những vấn đề về tài chính nếu không sẽ có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Phát biểu trước khi diễn ra hội nghị thường niên Đảng Bảo thủ cầm quyền, ông Cameron nhận định cuộc khủng hoảng ở Eurozone hiện là mối đe dọa không chỉ đối với bản thân khu vực mà còn là mối đe dọa đối với kinh tế Anh và cả kinh tế thế giới.

Ông nói, "Chính phủ Anh có quan điểm rất rõ ràng, quan điểm mà Anh đang thúc đẩy cùng với các đối tác châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức khác về những việc cần phải làm là tăng cường các cơ chế tài chính ở châu Âu, sự tham gia lớn hơn của IMF, đối mặt với vấn đề nợ nần và xử lý chúng một cách quyết liệt."

Theo ông, "hành động cần phải thực hiện trong những tuần tới là củng cố các ngân hàng châu Âu, xây dựng hệ thống phòng thủ mà Eurozone có, giải quyết vấn đề nợ một cách triệt để." Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Eurozone có thể đi theo con đường hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn trong tương lai.

Trong một diễn biến khác liên quan tới Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo kết quả thăm dò dư luận của hãng tin tài chính Bloomberg, đa số người được hỏi nói rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại vào năm 2016.

Cụ thể, 59% trong tổng số 1.031 nhà đầu tư được hỏi ý kiến nhận định mức tăng trưởng kinh tế trên 9% hiện nay của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn chưa đầy 5% vào năm 2016; 12% cho rằng sự giảm sút tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ xảy ra sớm hơn, chỉ trong vòng một năm, và 47% quả quyết điều này sẽ diễn ra trong vòng 2-5 năm tới.

Ông Serome Selle, Giám đốc đầu tư công ty MW Gestion có trụ sở ở Paris (Pháp), nhận xét bong bóng bất động sản tiềm tàng và lạm phát leo thang ở Trung Quốc, sự suy yếu của kinh tế Mỹ và châu Âu là những dấu hiệu cảnh báo cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn, khi có tới 23% cho rằng thị trường đem lại doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong vòng 12 tháng tới là Trung Quốc, một tỷ lệ cao thứ hai chỉ sau Mỹ với 30%.

Trong bối cảnh trên, điểm sáng duy nhất lại thuộc về khu vực kinh tế Mỹ. Theo báo cáo hôm qua của Viện Quản lý nguồn cung, chỉ số sản xuất tháng 9 của Mỹ đã tăng ngoài kỳ vọng của giới phân tích. Cùng ngày, Bộ Thương mại cho biết, chi tiêu xây dựng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong tháng 8 cũng tăng nhẹ, ngược với dự báo.

Những tin tốt này có vẻ như là bằng chứng tốt nhất cho niềm tin chắc chắn của tỷ phú Warren Buffett về việc Mỹ ít có khả năng tái suy thoái như nhận định u ám của nhiều chuyên gia kinh tế. Dẫu vậy, để đảo ngược được xu thế trên các thị trường thế giới, chỉ vài thông tin riêng lẻ từ Mỹ thôi thì chưa đủ.
Theo Hồng Ngọc (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh