24/02/2012 12:52 AM
Ngày 19-2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố tỷ lệ dự trữ bắt buộc hạ 50 điểm cơ bản, quyết định mới có hiệu lực từ ngày 24-2-2012. Một diễn biến trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, các số liệu kinh tế của tháng 1 và quý đầu năm nay không mấy khả quan và có thể phải “điều chỉnh” chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng một của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong hai năm qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 0,5% còn nhập khẩu giảm 15,3% so với một năm trước đó, lý do thị trường nghỉ lễ kéo dài và giá hàng hóa giảm cũng đã được tính đến.


Mặt khác, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, các khoản vay mới bằng đồng nội tệ chỉ đạt 738,1 tỷ nhân dân tệ (117,28 tỷ USD) trong tháng một, giảm 288,2 tỷ nhân dân tệ so với cùng kì năm ngoái.


Trung Quốc cũng đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng với các ngân hàng lần thứ hai trong ba tháng để kích thích tiêu dùng bởi khủng hoảng nợ châu Âu và thị trường bất động sản hạ nhiệt đe dọa đến tăng trưởng kinh tế.


Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần này hạ 50 điểm cơ bản, kể từ ngày 24-2. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với nhóm ngân hàng lớn nhất sẽ giảm xuống mức 20,5%.


Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên đã đưa ra quyết định trên trong cùng ngày báo cáo cho thấy giá bất động sản tại phần lớn các thành phố của Trung Quốc tháng 1-2012 giảm mạnh.


Thông tin mới nhất về việc sản xuất của nước này đã giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm, chủ yếu do những khó khăn từ thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ và châu Âu. Việc sản xuất Trung Quốc suy giảm là một dấu hiệu cực kỳ đáng lo ngại nên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giúp ngân hàng có tiền để cho vay được nhiều hơn,và doanh nghiệp cũng dễ tiếp cận vốn hơn.


Trước đó, trong báo cáo công bố ngày 06-2, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) còn đưa ra những dự đoán bi quan về nền kinh tế Trung Quốc khi cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể chỉ bằng 50% so với năm trước đó, nếu tình hình nợ công châu Âu diễn biến xấu đi. Đây cũng được coi là cảnh báo đối với Trung Quốc về việc cần thiết phải sớm có các biện pháp thúc đẩy kinh tế.


Ông Yao Wei, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Societe Generale SA, nhận xét: “Các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc rất quan tâm đến khả năng kinh tế nội địa có thể tăng trưởng chậm lại.”


Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đã thắt quá chặt chính sách tiền tệ trong thời gian qua, nó đúng trong bối cảnh lạm phát phi mã, nhưng họ chưa lường trước được những khó khăn từ bên ngoài. Vì thế, giờ đây họ cần phải thay đổi thứ tự ưu tiên: tăng trưởng kinh tế sẽ được đặt lên hàng đầu còn chống lạm phát xuống hàng thứ hai, đây cũng có thể là chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Trung Quốc năm 2012.


Trung Quốc sẽ tiếp tục những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, chẳng hạn như tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc cắt giảm lãi suất... Tuy nhiên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng khẳng định Trung Quốc vẫn sẽ duy trì chính sách kiềm chế thị trường bất động sản tăng nóng, nhằm đưa giá nhà ở về mức hợp lý với đại bộ phận người dân nước này.


Hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là động thái đầu tiên đã được thực hiện. Động thái này đã được dự báo từ tháng 11 năm ngoái. Theo tính toán thì với việc hạ dự trữ bắt buộc lần này, toàn hệ thống ngân hàng sẽ có thêm khoảng 400 tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 63 tỷ USD để cho vay. Đương nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải thận trọng với lượng tiền mặt để không phải hứng chịu hậu quả lạm phát như thời gian vừa qua.


Ông Wang Tao, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UBS, khẳng định thanh khoản liên ngân hàng thắt chặt có thể là nguyên nhân đằng sau động thái mới nhất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.


Nói riêng về con số lạm phát 5,5% hiện nay, các chuyên gia cho rằng vẫn còn cao nhưng nó đang giảm và sẽ còn tiếp tục giảm. Vì thế, Trung Quốc đang đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là ưu tiên số một chứ không phải là chống lạm phát.


Các nhà phân tích còn cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ là xu hướng chung đang lan rộng ở châu Á: Thái Lan vừa cắt giảm lãi suất, trước đó là Indonesia và tiếp theo có thể là Philippines, Ấn Độ... Bởi vì, trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang quá khó khăn, xuất khẩu châu Á sẽ giảm sút mạnh, thị trường tín dụng châu Á cũng đang bắt đầu bị ảnh hưởng từ việc thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng châu Âu.


Do đó, việc coi mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu và chống lạm phát vẫn quan trọng nhưng ở hàng thứ hai, không chỉ là chính sách của Trung Quốc, mà còn là xu hướng chung đối với các nước châu Á, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang được tái cơ cấu như hiện nay.


Việt Nam và Trung Quốc là hai thị trường liền kề, có nhiều điểm tương đồng và rất nhạy cảm với những động thái điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ hai nước. Vì thế, việc nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc cũng được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế - tài chính Việt Nam quan tâm.

Theo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.