24/10/2011 3:56 AM
Trong những năm tới, giải pháp giảm nợ công được các chuyên gia kiến nghị là cắt giảm mạnh đầu tư công, đầu tư từ khu vực nhà nước, thay thế đầu tư từ nợ công bằng các nguồn vốn khác.

Khủng hoảng nợ công tại Mỹ và các nước châu Âu khiến thế giới đối diện nguy cơ lặp lại khủng hoảng kinh tế, tài chính từng hoành hành 2-3 năm trước. Bối cảnh thế giới, những tác động trực tiếp tới tình hình nợ công, đầu tư công trong nước cũng trở thành chủ đề “nóng” tại kỳ họp Quốc hội lần này.


Ngay sau khi nghe báo cáo “toàn cảnh” về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, Quốc hội tiến hành thảo luận và chủ đề nợ công, đầu tư công, hiến kế giải pháp… Những cảnh báo về nợ công được đánh giá thẳng thắn, hầu hết ý kiến cho rằng, thực trạng nợ công ở nước ta vẫn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, xu hướng tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm gia tăng nợ công đòi hỏi phải có biện pháp hữu hiệu chặn ảnh hưởng khủng hoảng nợ công.


Sắp xếp lại hiệu quả, phương thức đầu tư công


Nhìn nhận diễn biến nợ công trên thế giới thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cuộc khủng hoảng lần thứ hai, trong khi đó có ý kiến lại khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính năm 2008 vẫn chưa kết thúc, ý kiến thứ ba thì nhắc lại mô hình phục hồi hình chữ W đã xuất hiện.


Thực tế, chuyện vỡ nợ công xảy ra ngay sau khi kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi từ khủng hoảng tài chính, kinh tế 2008. Hiện, nợ công của Mỹ bằng 90,4% GDP, nợ công mức chung của EU là 80,3%, trong đó Hy Lạp 123%, Italia 127%, đặc biệt Nhật Bản lên tới mức kỷ lục 197% GDP.


Chính phủ các nước, đặc biệt tại các nước đứng đầu sổ về nợ công đã áp dụng nhiều gói hỗ trợ, nhưng vẫn chưa sắp xếp các “ngôi nhà kinh tế” vào trật tự. Hệ quả là đầu tư sụt giảm mạnh, đánh mất niềm tin từ các giới doanh nhân và cộng đồng tài chính, giảm sút mạnh chi tiêu và đầu tư, thất nghiệp tăng cao, tăng trưởng kinh tế thụt lùi…


Tại Việt Nam, tình hình nợ công, đầu tư công cũng bị ảnh hưởng. Trong phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm thứ năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ thực hiện nhất quán chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động chất lượng thấp sang dựa vào hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài, cần được tiến hành đồng bộ gắn với các đột phá chiến lược theo một chương trình tổng thể.


Đổi mới tư duy về đầu tư, từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và tăng cường huy động các nguồn vốn khác cho phát triển. Năm 2012, phải thực hiện nghiêm kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ III và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và kiểm soát chặt chẽ đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Phải đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư, kiên quyết tập trung vốn cho các công trình dự án cấp thiết, sớm hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả.


Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng, các công trình cần thiết phải hoàn thành trong năm 2012 và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Các dự án, công trình khởi công mới phải được kiểm soát chặt chẽ, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả và đủ thủ tục đầu tư.


Đối với các dự án đang được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ nhưng không có nguồn để bố trí tiếp thì chuyển sang các hình thức đầu tư khác hoặc phải tạm đình chỉ. Khẩn trương sửa đổi quy chế phân cấp quản lý đầu tư, trước hết là đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ theo hướng bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương về mục tiêu và danh mục các chương trình, dự án theo quy hoạch, đồng thời phát huy sự năng động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển...


Thắt đầu tư công, chặn khủng hoảng nợ công

Toạ đàm về quản lý nợ công.


Nợ công kiểm soát ngưỡng an toàn


Đáng chú ý, cũng trong tuần qua, 2 diễn đàn đã được tổ chức về chủ đề nợ công, cắt giảm đầu tư công. Tọa đàm về “Quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia” do Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Liên hợp quốc về thương mại và phát triển tổ chức với sự tham gia của đại diện các cơ quan chính phủ, các ngân hàng thương mại, tập đoàn lớn, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia về quản lý nợ của các tổ chức quốc tế, một số nước như Brazil, Thụy Sĩ, Thái Lan và Indonesia.


Tiếp đó, Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam”, do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia,Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế – tài chính trong nước và quốc tế. Theo quy định của pháp luật nước ta, nợ công được hiểu bao gồm ba nhóm là nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Khái niệm này được đánh giá là hẹp hơn so với thông lệ quốc tế.


Theo công bố mới nhất của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam là 57,3%, trong đó 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương chiếm 1%. Các chỉ tiêu về nợ công đều trong ngưỡng an toàn, phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất cố định và ưu đãi, cơ cấu đồng tiền vay đa dạng, hình thức huy động vốn ngày càng đa dạng và linh hoạt. Mặc dù trong ngưỡng an toàn song nguy cơ gia tăng nợ công được cảnh báo rất rõ. Nguyên nhân gây nợ công lớn nhất chính là đầu tư công. Chúng ta nhiều năm liền dồn vốn cho các hạng mục đầu tư, biến nhiều địa phương thành “công trường đầu tư công”. Trong khi đó, lĩnh vực đầu tư công hút vốn khổng lồ cũng được cho là nơi gây thất thoát, lãng phí lớn, chất lượng nhiều công trình đầu tư công kém.


Trong những năm tới, giải pháp giảm nợ công được các chuyên gia kiến nghị là cắt giảm mạnh đầu tư công, đầu tư từ khu vực nhà nước, thay thế đầu tư từ nợ công bằng các nguồn vốn khác. Các chuyên gia từ chương trình Fulbright và Ngân hàng Thế giới kiến nghị cần dựa trên các tiêu chí cụ thể về khả năng trả nợ của dự án, khả năng huy động từ các nguồn vốn khác ngoài đầu tư công để cắt giảm đầu tư công một cách hữu hiệu và chính xác. Trước tình hình đó, quan điểm của Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế chính sách để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nợ theo hướng tiếp cận các thông lệ quốc tế.


Những nguy cơ gây nợ công xấu ở nước ta phải được hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ nợ công/GDP hoàn toàn có thể tăng lên trên 70% do mục tiêu tăng trưởng GDP được điều chỉnh thấp hơn trong những năm tới. Ngay cả nợ tư của các doanh nghiệp nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế.


Với cơ chế bảo hộ, khi doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn trong việc trả nợ, nếu Nhà nước đứng ra trả nợ sẽ dồn thêm gánh nặng nợ công càng lớn. Đồng thời, việc đầu tư công dàn trải, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước như thế nào cũng ảnh hưởng đến nợ công. Các yếu tố lãi suất, tỉ giá, thanh khoản là rủi ro tiềm ẩn đến sự an toàn của nợ công.


Thông điệp kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, giảm nợ công đã được Thủ tướng khẳng định rõ: “Phải đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư; kiên quyết tập trung vốn cho các công trình dự án cấp thiết, sớm hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng, các công trình cần thiết phải hoàn thành trong năm 2012 và vốn đối ứng cho các dự án ODA.


Các dự án, công trình khởi công mới phải được kiểm soát chặt chẽ, xác định rõ nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả và đủ thủ tục đầu tư. Đối với các dự án đang được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ nhưng không có nguồn để bố trí tiếp thì chuyển sang các hình thức đầu tư khác hoặc phải tạm đình chỉ”. Mục tiêu, đến năm 2015, nợ công khoảng 60 - 65% GDP.


Nợ công là một khái niệm tương đối phức tạp, hiện vẫn còn một số cách hiểu

Theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới, nợ công được hiểu là nghĩa vụ nợ của bốn nhóm chủ thể bao gồm: nợ của Chính phủ trung ương và các Bộ, ban, ngành trung ương; nợ của các cấp chính quyền địa phương; nợ của Ngân hàng Trung ương; và nợ của các tổ chức độc lập mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, hoặc việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ hoặc Chính phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ.

Quan niệm về nợ công như vậy cũng tương tự như của Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính của Hội nghị của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD)


Theo Đăng Trường (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh