Theo thống kê của NHNN, tính đến đầu tháng 9, mức tăng trưởng tín dụng ước đạt 8,85% so với cuối năm 2010. Nếu tính cả khoản phải thu có bản chất cấp tín dụng, thì tăng trưởng tín dụng thực tế ước đạt gần 12%.


Đây là mức tăng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái do NHNN trong những tháng đầu năm nay đã thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, hạn chế các ngân hàng cho vay ra nền kinh tế. Thực tế này khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi, tín dụng đã giảm mạnh sao lạm phát vẫn chưa giảm theo và thắt chặt tín dụng có phải là phương thuốc hợp lý để kiềm chế và kiểm soát lạm phát lúc này?
Rất hiếm khi các Bộ, ngành chức năng lại liên tục điều chỉnh mục tiêu lạm phát như năm nay. Vào tháng 10 năm ngoái, khi xây dựng kế hoạch cho năm 2011, mục tiêu lạm phát được đặt ra chỉ là 7%, nhưng đến tháng 5 vừa qua, đã phải điều chỉnh lên 11,75%, rồi một tháng sau đó nới lên 15%, và sau đó lại khẳng định là 17%. Còn hiện tại, nhiều Bộ, ngành và các chuyên gia dự báo, cố gắng mới giữ được 18%. Thực tế này cho thấy, dự báo lạm phát là rất khó, nhưng không vì thế mà cứ nước đến đâu, nhảy đến đó.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, NHNN đang lúng túng trong vòng luẩn quẩn bài toán lạm phát và lãi suất. Vì nếu tiếp tục cung tiền mạnh hơn, thì tốc độ tăng lạm phát càng cao, còn nếu thắt chặt thì thực tế cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Những biện pháp nặng hút bớt tiền về trong khi tính chất của lạm phát 2011, tính chất của hoạt động tiền tệ là ngân hàng rất thiếu thanh khoản do thắt chặt tín dụng. Biện pháp hút tiền về tôi cho là không trúng nên ngân hàng vẫn khó khăn trong thanh khoản. Khó khăn trong thanh khoản buộc phải tăng lãi suất trong thu tiền tiết kiệm, làm cho lãi suất tiết kiệm cao và nó lại thúc đẩy ngược lại với lạm phát, tức là biện pháp có tác động trái chiều”.
Thông thường để kiểm soát lạm phát, người ta sử dụng 2 công cụ là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tuy nhiên, nguyên nhân căn bản gây ra lạm phát ở Việt Nam theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh là do chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Trong khi tiết kiệm chiếm chưa đến 30% GDP, thì đầu tư chiếm hơn 40% GDP. Sự chênh lệch trên 10% này đã tạo ra thâm hụt kép, nghĩa là thâm hụt ngân sách nhà nước và thâm hụt cán cân thương mại, và kéo theo đó là thâm hụt cán cân vãng lai.
TS.Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế: “Dù chúng ta tập trung vào tăng quy mô đầu tư như vậy nhưng hiệu quả đầu tư không cao. Chỉ số ICOR có những năm lên 8, và thường xuyên ở mức 6,7 trong những năm gần đây. Do đó, chúng ta không có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương xứng với quy mô đầu tư. Và đó chính là nguyên nhân cốt lõi gây ra lạm phát cao trong những năm gần đây”.
Với quy mô đầu tư trên 40% GDP như hiện nay thì theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế phải vào khoảng 10% thì mới hiệu quả và không gây lạm phát. Còn thực tế, mức tăng trưởng chỉ từ 6 đến 8% như thời gian qua là điều cần phải xem xét lại.
Tuy nhiên, điều chỉnh tăng hiệu quả đầu tư không phải là câu chuyện đơn giản. Bởi theo ông Ánh, điều này cần phải có quá trình và cần gắn với tái cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là gắn với tái cơ cấu đầu tư. Và để tháo gỡ, giải pháp trước mắt được ông Ánh đề xuất là cần tập trung vào giảm quy mô đầu tư để giảm chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Như vậy, sẽ có cơ sở để kiểm soát và kiềm chế lạm phát ngay trong những năm tới.
Theo Hằng Nga (VTV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.