Theo thông tin tại cuộc họp, trong đợt dịch lần thứ 4 này đã ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ. Nhất là khu vực phía Nam, nơi tập trung trên 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, với giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả nước.
Theo số liệu khảo sát nhanh vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.
Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường. Trong khi đó, chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” đã tăng khoảng 20-30%; tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp, chỉ khoảng 15-20% người lao động được tiêm vaccine.
Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành gỗ đã đạt 11,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD trong năm nay.
Tại cuộc họp đã đưa ra các giải pháp giúp ngành gỗ vừa sản xuất đảm bảo kế hoạch vừa phòng chống dịch hiệu quả. Bộ NN-PTNT cho biết đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt để ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối cung cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các Bộ ngành và địa phương trong triển khai thực hiện tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch của doanh nghiệp.
Giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là nguồn tài chính hỗ trợ mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch để doanh nghiệp có đủ nguồn vốn có thể phát triển và nắm bắt cơ hội tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ là nội thất lớn của thế giới.
Ngoài những hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần chủ động kế hoạch tái sản xuất sau dịch để giữ được các thị trường xuất khẩu. Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch.
Theo đó, kịch bản hướng đến việc không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau; vừa đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ như hiện nay.
-
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng bất chấp Covid-19
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt gần 9,58 tỷ USD, tăng tới 54,8%, tương ứng 3,39 tỷ USD so với cùng kỳ.