17/10/2018 8:11 AM
CafeLand - Trong một phát biểu mới đây, Bí thư Thành uỷ Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành uỷ sẽ lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa. Chỉ có điều, hiện nay Thành uỷ TP.HCM đang có khoản vốn góp lớn tại các ngân hàng và để thoái vốn khỏi các tổ chức này cũng không phải việc đơn giản.

Rút khỏi ngân hàng

Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 18 diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, lâu nay, Văn phòng Thành ủy có những hoạt động liên quan đến kinh tế như cho thuê các cơ sở nhà đất để tạo nguồn thu, nhưng từ giờ trở đi sẽ không làm nữa. Tất cả hoạt động kinh tế sẽ chuyển về cho các công ty của Đảng bộ thành phố, Văn phòng chỉ làm nhiệm vụ xây dựng cơ chế giám sát và giám sát.

Ngoài ra, thành phố cũng cơ cấu lại lại lĩnh vực nào Thành ủy cần kinh doanh, lĩnh vực nào cần rút ra, chẳng hạn như sẽ không đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng vì rủi ro rất lớn.

Cũng theo ông Nhân, TP.HCM đang gặp khó khăn về vốn và đất đai cho dự án BT (xây dựng – chuyển giao), tài sản công có thể chuyển đổi tăng vốn cũng không làm được.Từ thực tế trên, ông Nhân đề nghị các sở ngành, đơn vị phải xốc lại tinh thần để tăng tốc. Năm sau phải thật sự là năm đột phá phát triển.

Như vậy, với chủ trương trên, có thể trong năm nay và năm sau, Thành uỷ TP. HCM sẽ đẩy mạnh việc thoái vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là tín hiệu đáng mừng với nền kinh tế thị trường, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân khi nhà nước lui về đúng chức năng, vai trò quản lý, giám sát. Tuy nhiên, nói là một chuyện, còn để thực thi thì lại hoàn toàn không dễ.

Thành uỷ TP. HCM thoái được vốn tại SaigonBank và DongABank?

Không đơn giản

Hiện Thành uỷ TP. HCM đang có 2 khoản vốn góp lớn tại 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

Đầu tiên là khoản vốn góp tại SaigonBank. Đây là ngân hàng nhỏ về vốn điều lệ (3.080 tỉ đồng), nhỏ về tổng tài sản, thấp về dư nợ tín dụng, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại khá cao.

Tại ngân hàng này cổ đông khá cô đặc. Cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm hơn 18% vốn. Ngoài ra còn có Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu hơn 14%.

Hiện ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã công bố sẽ bán đấu giá công khai 15 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9% cổ phần của SaigonBank. Bên bán chưa công bố giá khởi điểm, nhưng hiện trên thị trường OTC, giá cổ phiếu SaigonBank dao động trong khoảng 10.000-12.000 đồng.

Trước đây, VietinBank từng thoái thành công hơn 5% cổ phần SaigonBank. Việc thoái vốn khỏi SaigonBank của VietinBank là để thực hiện quy định của Thông tư 36 về xử lý sở hữu chéo. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại việc thoái vốn tại SaigonBank được cho là sẽ không đơn giản và thuận lợi như trước đây khi không có sự hỗ trợ của thị trường và tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank đang tăng cao trong nửa đầu năm 2018.

Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2018, SaigonBank ghi nhận mức thu nhập lãi thuần đạt 327,2 tỉ đồng, giảm nhẹ so với mức 334,2 tỉ đồng cùng kỳ. Các khoản chi phí trong kỳ tăng cao đã khiến cho mức lợi nhuận sau thuế của SaigonBank chỉ đạt 89,5 tỉ đồng, giảm tới 30% so với cùng kỳ.

Tính tới 30/6/2018, quy mô tài sản của Saigonbank giảm nhẹ từ 21.319 tỉ đồng xuống mức 20.724 tỉ đồng. Trong đó dư nợ cho vay có xu hướng giảm nhẹ, đạt 13.851 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank tăng mạnh từ 2,9% cuối năm 2017 lên mức 6,4% vào cuối quý 2/2018, phần lớn là do sự gia tăng giá trị của các khoản nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ trong kỳ. Hiện nợ xấu SaigonBank bán cho VAMC ghi nhận ở mức 573,38 tỉ đồng.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, Thành uỷ TP. HCM cũng buộc phải thoái bớt vốn tại SaigonBank hoặc một phần hoặc toàn bộ (theo chủ trương mới không làm kinh tế). Bởi Luật các Tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực từ 1/1/2011 quy định các tổ chức chỉ được sở hữu tối đa 15% vốn ngân hàng, mà Thành uỷ TP. HCM đang sở hữu quá số vốn tối đa theo quy định. Tuy nhiên, để thoái vốn “thành công” ở thời điểm này và có thể kéo dài tới cuối năm tại SaigonBank có thể không phải là việc đơn giản.

Sau khoản góp vốn tại SaigonBank, Thành uỷ TP. HCM còn có khoản góp vốn tại DongABank. Văn phòng Thành ủy TP.HCM là cổ đông lớn thứ 3 khi sở hữu 6,87% vốn ngân hàng, chỉ đứng sau Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận.

Tuy nhiên, hiện mọi hoạt động tại ngân hàng này, đặc biệt liên quan tới góp vốn mua cổ phần gần như đóng băng, bởi DongABank đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, cổ phiếu ngân hàng cũng bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Hiện nay DongABank đang nằm trong phần liên quan tới một loạt các án kinh tế lớn xét xử ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongABank và một loạt các nguyên lãnh đạo ngân hàng này; vụ án ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).

Kể từ 2011-2014, lợi nhuận sau thuế của DongABank giảm dần, từ 947 tỉ đồng (năm 2011) xuống 328 tỉ đồng (năm 2013). Thông tin gần như cuối cùng về lợi nhuận ngân hàng này được biết tới năm 2017 chỉ còn vỏn vẹn 27 tỉ đồng.

DongABank từng nằm trong diện có thể bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng, cùng chung số phận với 3 ngân hàng OceanBank, GPBank và CBBank. Như vậy có thể thấy để thoái vốn khỏi DongABank ở thời điểm này gần như là không thể. Thành uỷ TP. HCM chỉ có thể chờ đợi ngân hàng trở lại hoạt động bình thường để thoái vốn. Hoặc trong trường hợp kém may mắn hơn, nếu DongABank không thể phục hồi, Thành uỷ TP. HCM có thể mất trắng khoản vốn góp tại đây.

  • Phiên đấu giá cổ phiếu MBB “ế ẩm”

    Phiên đấu giá cổ phiếu MBB “ế ẩm”

    CafeLand - Sở GDCK Hà Nội vừa thông báo kết quả đấu giá cổ phần Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) do Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu với kết quả không như mong đợi khi chỉ có 1 nhà đầu tư mua thành công 10.000 cp MBB trong tổng số 53,4 triệu cp đăng ký bán.

Nguyễn Thoan
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.