Theo quyết định ký ngày 17-8-2020 của Thanh tra Chính phủ thì bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ sẽ làm trường đoàn cùng 6 thành viên khác. Đoàn sẽ kiểm tra, rà soát đối với những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến dự án Sông Lô (tên thương mại là tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang). Dự kiến đoàn sẽ làm việc trong vòng 40 ngày.
Đây là dự án của Công ty TNHH Hoàn Cầu, được sáng lập bởi cố doanh nhân Trần Thị Hường (thường gọi là bà Tư Hường).
Thành phần đoàn thanh tra có ông Mai Xuân Hưng- Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, ông Hưng từng là chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Sông Lô.
Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, nay có tên thương mại là tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang. Dự án này cũng được cho là đang chuyển giao cho chủ đầu tư khác.
Trước đó, ngày 15-6, Phó thủ tưởng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát nội dung phản ảnh của người dân tại dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Phó thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát về những nội dung phản ánh, kiến nghị của các hộ dân liên quan đến dự án Sông Lô.
Đây là dự án mà Báo Người Lao Động có nhiều bài phản ánh. Trong đó, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng làm rõ những bất thường liên quan đến dự án Sông Lô để xảy ra khiếu kiện kéo dài của người dân trong gần 20 năm qua.
Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, dự án Sông Lô đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tiến hành giám sát, có ý kiến bằng văn bản; nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã vào cuộc, đề nghị xem xét, chỉ ra nhiều sai phạm. Thế nhưng, đến nay nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, vẫn chưa có câu trả lời nghiêm túc, dứt điểm.
Dự án Sông Lô từ năm 2001 được Thủ tướng ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg về việc thu hồi 180,2 ha tại thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng để làm Khu Du lịch và Giải trí Sông Lô. Quyết định này ban hành dựa trên 7 bản đồ trích đo từ số 24 đến 30 do Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa xác lập năm 2001. Tuy nhiên, đa số người dân bị thu hồi đất lại nằm ở tờ bản đồ 22, 23 (lập năm 1996, đang được xã Phước Đồng quản lý) xác định nằm trong dự án và bị buộc phải thu hồi.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng tại kết luận của cơ quan này vào năm 2006 ghi rõ nội dung: "Đối tượng bị thu hồi đất không nhận quyết định và nội dung quyết định cũng không nêu danh sách kèm theo. Sau đó, cơ quan thẩm quyền tỉnh Khánh Hòa cũng không ban hành quyết định thu hồi đất cụ thế đối với từng hộ gia đình…". Theo ông Nhưỡng, điều đó đã gây ra sự tù mù trong quản lý đất đai, tù mù về quyền lợi người dân.
Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đã có công văn đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, làm rõ 12 vấn đề có dấu hiệu sai phạm theo phản ánh của người dân tại dự án Sông Lô.
Người dân bức xúc về dự án Sông Lô thu hồi sai quy định gần 20 năm nay
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT xem xét, xử lý các vấn đề sai phạm trong việc thu hồi đất cho Công ty TNHH TM-XD Hoàn Cầu làm dự án Sông Lô. "Đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT cho kiểm tra, nếu có sai phạm thì phải yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa hủy bỏ sản phẩm đo đạc là tờ bản đồ địa chính khu đất (7 tờ bản đồ trích đo) do Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa xác lập năm 2001 và làm rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định pháp luật" - ông Nhưỡng kiến nghị.
-
Thanh tra Chính phủ kiểm tra dự án Sông Lô
Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xác minh phản ánh của người dân liên quan đến dự án Sông Lô tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).