27/09/2020 3:08 PM
CafeLand - Wang Xuelian, một bà mẹ hai con 33 tuổi, bối rối trước toàn bộ khái niệm về một thành phố sinh thái. “Mỗi ngày khi tôi mở cửa sổ, tôi đều có thể nhìn thấy thiên nhiên. Tôi không biết tại sao họ muốn phá bỏ để xây dựng một màu xanh nhân tạo”, Wang Xuelian – một cư dân làng Hongxian, cách dự án thành phố xanh Tianfu (Thành Đô) 15 phút lái xe – nói

Đầu tư 44 tỷ USD xây dựng thiên đường xanh

Ngay bên ngoài thành phố Tây Nam Thành Đô của Trung Quốc, một thiên đường đô thị lớn hơn cả Houston đang được xây dựng. Du khách được chào đón bởi một biển cỏ được cắt tỉa cẩn thận bao quanh một hồ nước nhân tạo, điểm xuyết những bông hoa súng, có kích thước gần bằng Công viên Trung tâm của New York.

Đây là Thành phố Công viên Tianfu, một trong hàng trăm dự án phát triển “thành phố sinh thái” ở Trung Quốc khi chính phủ nước này đang nỗ lực kêu gọi 100 triệu người chuyển từ các làng mạc vào khu vực đô thị trong năm 2020. Sau nhiều thập kỷ bùng phát đô thị hóa, khiến các khu ngoại ô với ngôi nhà bê tông cao tầng mọc lên xung quanh các thành phố lớn, ăn vào đất nông nghiệp và gây ra ô nhiễm, Trung Quốc đang cố gắng tìm một phương thức bền vững hơn để phát triển và cung cấp cho người dân một lối sống tốt hơn.

“Không khí ở đây thực sự tốt và bất cứ nơi nào bạn đến, nó đều tràn ngập trong sắc xanh”, một cư dân 56 tuổi họ Fan, người đã chuyển đến khu vực này vào năm 2013 khi nó vẫn còn là một vùng ngoại ô bị bỏ quên của Thành Đô. “Tôi không hối hận về quyết định của mình, giá trị căn hộ của tôi đã tăng gấp đôi”.

Dự án Tianfu đã được phê duyệt một năm sau khi Fan đến, dưới sự hỗ trợ của chính phủ, giá bất động sản khu vực này đã tăng lên. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, thành phố đã ký hợp đồng đầu tư hơn 300 tỷ nhân dân tệ (44 tỷ USD). Khi công trình lớn hoàn thành trong năm nay, gần 60% diện tích sẽ được dành cho sáu hồ nước nhân tạo, 30 công viên và các không gian xanh khác. Dân số sẽ giới hạn ở 6,3 triệu người vào năm 2030 – tương đương một phần tư quy mô của các thành phố lớn nhất Trung Quốc, chẳng hạn như Thượng Hải.

Zheng Siqi, giám đốc khoa của Phòng thí nghiệm Đô thị hóa Bền vững của Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết: “Các thành phố mới giống như những thử nghiệm mà ở đó chính phủ có thể dễ dàng thử nghiệm những ý tưởng đổi mới.

Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một thiên đường xanh, nhưng liệu người dân có muốn sống ở đó?

Trong khi Thành phố Công viên Tianfu bao gồm hàng trăm mẫu công viên và cây xanh, một số dự án đã phải vật lộn để thu hút người thuê.

Cách tiếp cận xanh của Trung Quốc được thiết kế để giải quyết hai vấn đề môi trường cấp bách. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và nhà ở dân cư quy mô lớn đã trở thành một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất của quốc gia này. Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland, việc thực hiện mục tiêu đô thị hóa của quốc gia có thể tạo ra hơn một gigaton carbon dioxide bổ sung. Đồng thời, cả môi trường nông thôn và thành thị đều bị xấu đi. Hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc phải hứng chịu không khí bẩn thỉu và nước chất lượng kém. Theo Bộ Sinh thái và Môi trường, khoảng 90% đồng cỏ và 40% các vùng đất ngập nước chính của Trung Quốc đang bị suy thoái.

Năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu nhấn mạnh lý thuyết của ông về một “nền văn minh sinh thái”, trong đó sự phát triển có tính đến chi phí môi trường. Không phải lúc nào khát vọng cũng được chuyển thành các chính sách cụ thể. Hướng dẫn của chính phủ về việc xây dựng các thành phố mới có các từ thông dụng như “các-bon thấp” và “bảo vệ môi trường”, nhưng có ít yêu cầu cụ thể về hiệu quả năng lượng và vật liệu xây dựng.

Liệu có thực sự thân thiện với môi trường?

Tianfu đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự chứng thực cá nhân của ông Tập. Vào năm 2018, ông đã đến thăm Thành Đô và nhận xét rằng sự phát triển của thành phố này là nên “làm nổi bật các đặc điểm của một thành phố công viên”. Các cán bộ địa phương nhanh chóng thêm “thành phố công viên” vào tên chính thức và treo các biểu ngữ trên đường phố. Viện Nghiên cứu Thành phố Công viên được thành lập để giúp dự án trở thành “một mô hình thành công và nổi tiếng toàn cầu” về đô thị hóa.

Wu Changhua, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm think tank về Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết các chính sách của Trung Quốc cho thấy lãnh đạo cao nhất quyết tâm khôi phục môi trường, nhưng đó không phải lúc nào cũng là động lực thúc đẩy các quan chức địa phương. Bà nói: “Một động lực sâu sắc hơn có thể là các khoản trợ cấp và kích thích tăng trưởng kinh tế tốt.

Người dân đi bộ dọc theo đường chạy bộ ven hồ gần như không có người ở một trong những công viên mới của Tianfu. Ảnh: Bloomberg

Trong số hàng trăm dự án được phân loại là phát triển “thành phố sinh thái”, nhiều dự án không áp dụng các chiến lược bền vững như tòa nhà tiết kiệm năng lượng, bố trí giao thông thông minh và năng lượng tái tạo, Deng Wu, phó giáo sư tại Khoa Kiến trúc và Môi trường xây dựng cho biết.

Các chủ đầu tư thường quảng cáo các tòa nhà của họ là "thân thiện với môi trường" vì chúng duy trì nhiệt độ, độ ẩm và mức oxy ổn định trong nhà, nhưng để đạt được điều đó thực sự đòi hỏi tiêu thụ một lượng lớn điện năng, ông nói. “Họ đánh đồng thân thiện với môi trường là thoải mái, nhưng những dự án này không liên quan gì đến việc thân thiện với môi trường, và thậm chí có thể gây tác dụng ngược”.

Đối với nhiều cư dân, cảnh quan tuyệt đẹp và các tòa nhà hiện đại ở Tianfu là hiện thân của đặc tính “thành phố sinh thái”, và là một sự cải tiến to lớn so với những thành phố được xây dựng tồi tàn trước đây. Theo quan điểm của họ, không khí sạch, nước và đường phố là những thước đo quan trọng của “nền văn minh sinh thái” hơn là những tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Nan giải việc thu hút cư dân

Nhưng các thành phố cần doanh nghiệp và việc làm để phát triển, không chỉ là những công viên xinh đẹp. Tại khu thương mại trung tâm của Tianfu, một số công ty địa phương được thu hút bởi trợ cấp của chính phủ và giảm thuế đã chuyển đến các tòa nhà chọc trời mới, mặc dù khu vực này không nhộn nhịp. Các chuỗi thực phẩm toàn cầu như Starbucks Corp. và Pizza Hut Inc. đã mở các cửa hàng trên bờ sông, nơi các đại lý bất động sản bán căn hộ cho người đi bộ, trao đổi về đầu tư của chính phủ vào khu vực này.

Còn quá sớm để nói liệu Tianfu có thu hút đủ cư dân hay không, bà Zheng cho biết. “Có thể có nhiều cung hơn cầu nếu mọi người không cảm thấy cần phải di chuyển đến một thành phố mới xây dựng, đặc biệt là nơi thành phố hiện tại chưa được sử dụng hết,”. Thành Đô, trong những năm gần đây đã trở thành một điểm đến phổ biến cho những người trẻ tuổi thoát khỏi giá thuê cao ở những nơi như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Hồ nhân tạo và không gian xanh của Tianfu bao phủ hơn một nửa thành phố. Ảnh: Bloomberg

Đó là một câu chuyện từng diễn ra ở Trung Quốc trước đây. Thành phố mới Binhai của Thiên Tân, dọc theo bờ biển phía đông, được hình dung như một cường quốc tài chính mới khi cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo khởi động dự án hơn 10 năm trước. Vào năm 2019, chỉ có 100.000 người sống và làm việc tại Thành phố sinh thái Trung-Singapore, dự án hàng đầu của Binhai, không đạt được mục tiêu của chính phủ là có 350.000 cư dân thường trú vào năm 2020.

Cách 15 phút lái xe dẫn ra khỏi dư án Tianfu, cư dân làng Hongxiang chơi mạt chược vào một buổi chiều Chủ nhật trong tháng 7, trò chuyện về khu đô thị đang mọc lên gần đó. Được bao quanh bởi những cánh đồng lúa và rừng tre, họ tự hỏi khi nào ngôi làng của họ sẽ bị phá bỏ để nhường chỗ cho Tianfu và liệu họ có được bồi thường cho việc dời bỏ nhà cửa đã truyền qua nhiều thế hệ hay không. Một nông dân 67 tuổi, người có họ là Zhou, lo lắng rằng cô ấy sẽ không đủ điều kiện nhận lương hưu hoặc chăm sóc sức khỏe trong thành phố.

Wang Xuelian, một bà mẹ hai con 33 tuổi, bối rối trước toàn bộ khái niệm về thành phố sinh thái. “Mỗi ngày khi tôi mở cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy thiên nhiên. Tôi không biết tại sao họ muốn phá bỏ nó để xây dựng một số màu xanh giả”, Wang Xuelian nói.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.