Hàng loạt bất cập trong quản lý, sử dụng các khu đô thị mới ở Hà Nội như chậm đấu nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, hầu hết các tòa nhà chưa có ban quản trị, tổ dân phố... đã được các quận, huyện “điểm danh” với Hội đồng nhân dân thành phố. Tuy nhiên, những bất cập này được giải quyết khá chậm chạp.
Nhiều KĐT mới tồn tại trong tình trạng hạ tầng kỹ thuật và xã hội bất cập. Ảnh minh họa
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 373 dự án xây dựng nhà ở, trong đó có 155 dự án khu đô thị mới, 218 dự án phát triển nhà ở. Kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội cho thấy có tới hơn 90% dự án có điều chỉnh quy hoạch, đa phần là điều chỉnh theo hướng gia tăng số phòng, tầng, tăng dân số để có lợi cho nhà đầu tư. Có dự án 8 lần điều chỉnh quy hoạch, chủ đầu tư cấp 1 điều chỉnh, các nhà đầu tư thứ phát cũng điều chỉnh, mỗi người điều chỉnh một ít, cuối cùng dự án đã thay đổi hoàn toàn.
Nhà xong không thể ở vì không có hạ tầng
Thực tế, hầu hết các dự án triển khai nhà ở trên địa bàn Hà Nội chậm tiến độ. Một số dự án như Khu đô thị (KĐT) Việt Hưng (quận Long Biên), KĐT Bắc QL 32 nhìn ngoài có vẻ dự án đã hoàn chỉnh, song thực tế việc kết nối các hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội tại các KĐT này còn nhiều bất cập như: chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, chưa có nhà văn hóa, trạm y tế, trường học… Vì thế, các dự án KĐT không hấp dẫn người dân. Nếu người dân có về ở cũng phải chịu đựng nhiều bất tiện do không có hạ tầng.
Lý giải về tình trạng này, các chủ đầu tư đều đổ lỗi những hạng mục trên đã được “giao” cho nhà đầu tư thứ cấp, và họ mới là những người làm chậm tiến độ. Còn các sở, ngành cũng khá lúng túng khi bày tỏ về hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước đối với việc chuyển nhượng từng phần dự án.
“Tình trạng chuyển nhượng một phần dự án đã và đang diễn ra. Luật hiện hành có đề cập việc chuyển nhượng đất có đầu tư hạ tầng, nhưng quy trình, thủ tục, điều kiện, không được quy định - Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết - Vì vậy, các chủ đầu tư cấp 1 đã thực hiện chuyển nhượng một phần dự án cho các chủ đầu tư thứ cấp mà các cơ quan quản lý không thể kiếm soát. Điều này dẫn đến tình trạng nhà đầu tư thứ cấp không thực hiện đúng quy hoạch, tiến độ, không thực hiện đủ các nghĩa vụ về thuế, đặc biệt là trách nhiệm với những người dân mua nhà ở”.
Cơ chế minh bạch cho quỹ bảo trì
Các KĐT mới không chỉ phải đối mặt với thực tế hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội chưa hoàn chỉnh, thậm chí chắp vá. Việc quản lý các khu dân cư, quản lý phí dịch vụ tại các chung cư cũng là vấn đề cần sớm giải quyết, vì hiện nay hầu hết các tòa nhà chưa thành lập ban quản trị cũng như tổ dân phố.
Ông Hoàng Văn Bảo - Bí thư Quận ủy Long Biên, thành viên Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội cho biết, KĐT mới Việt Hưng hiện có 42 khu chung cư, dự kiến phải có 25 ban quản trị, nhưng đến thời điểm này mới chỉ thành lập được 3 ban quản trị. Các KĐT khác như KĐT Đặng Xá trong tình cảnh tương tự, mặc dù tỷ lệ hộ dân về KĐT gần như đã được lấp đầy, song lại chưa có tổ chức nào đứng ra quản lý các hộ dân cư này vì chưa có tổ dân phố, việc sinh hoạt tổ chức, đoàn thể của họ đều phải “ăn nhờ, ở đậu”.
Vướng mắc liên quan đến các ban quản trị cũng kéo theo vấn đề quỹ bảo trì công trình – tương đương với 2% giá trị công trình - cứ “cãi đi, cãi lại” chưa có hồi kết. Đại diện Sở Xây dựng cho biết, thực tế khi bàn giao và đưa công trình vào sử dụng phải có hệ thống định mức chi, nhưng đến nay Bộ Xây dựng vẫn “khất” mục này, chưa có quy định cụ thể là giao cho tổ chức nào quản quỹ. Do vậy, có nơi giao cho ban quản trị tòa nhà quản lý, có nơi lại gửi vào ngân hàng để sinh lãi.
Khi hầu hết các KĐT chưa thành lập ban quản trị và tổ dân phố thì tổ chức nào sẽ đứng ra quản lý quỹ bảo trì để người dân được hưởng lợi vẫn là vấn đề bỏ ngỏ. Kể cả giao cho ban quản trị cũng cần có một cơ chế rõ ràng, cụ thể. Thực tế đã có trường hợp, khi bàn giao công trình, nguồn quỹ này được giao cho ban quản trị, song ban quản trị đó đã “ẵm” cả triệu đô của quỹ này và bỏ trốn…
Hương Lan (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.