29/12/2016 2:03 PM
CafeLand - "Một thành phố đáng sống là nơi tôi có thể có một cuộc sống lành mạnh, nơi tôi có cơ hội di chuyển dễ dàng - đi bộ, đi xe đạp, đi bằng phương tiện giao thông công cộng, hoặc thậm chí bằng xe hơi nếu không có sự lựa chọn nào khác. Thành phố đáng sống là thành phố cho tất cả mọi người”. Đó là định nghĩa của D. Hahlweg trong quyển "Thành phố như một gia đình” (The City as a Family) năm 1997.

Hay như cách nói của E. Salzano trong "Bảy mục tiêu nhằm đạt đến Thành phố đáng sống” (Seven Aims for the Livable City) bao gồm:

1. Không có ranh giới, thành phố mở cửa với thế giới bên ngoài, không có khu ổ chuột hay các khu vực cách ly giữa người nghèo và người giàu

2. Tạo động lực, cơ hội cho từng cá nhân phát triển trên những tiêu chí và sự ràng buộc dựa theo bộ quy chuẩn điều hành của thị trường

3. Một thành phố có bộ máy điều hành và quy hoạch hữu hiệu để giải quyết những sự phức tạp phát sinh tránh bất an và khơi thông những tắc nghẽn trong vận hành của chính quyền địa phương

4. Có trang web riêng và cập nhật, hồi đáp ngay khi có những phản ánh của người dân qua sự tương tác, xử lý nhanh nhạy của chính quyền

5. Có nhà cộng đồng dành riêng cho những người cô thế, cơ nhỡ

6. Có không gian chung, là trung tâm của đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng

7. Và cuối cùng; tất cả mọi quy hoạch, xây dựng không dựa vào các nhà quản lý chính quyền, các kiến trúc sư mà dựa vào hạnh phúc và quyền lợi của người dân.

Nếu xét trên các tiêu chí trên, thì các nhà quản lý của các thành phố lớn ở Việt nam còn phải nỗ lực rất nhiều để có được tiêu chí là thành phố đáng sống. Khi mà, vấn nạn kẹt xe, ngập úng ngày càng nghiêm trọng và đang đi vào bế tắc vì quy hoạch đô thị thiếu khoa học, lỏng lẻo... Đơn cử, thành phố đã trong tình trạng quá tải nhưng các dự án nhà ở, căn hộ cao cấp, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại vẫn được cấp phép xây dựng và tiếp tục mọc lên.

Giải pháp nào để cải thiện sự quá tải hiện nay tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM? Và, làm cách nào để các thành phố lớn của chúng ta tiệm cận được với tiêu chí thành phố đáng sống? Tất nhiên không thể một sớm một chiều, nhưng phải có những định hướng mang tính đột phá trong quy hoạch cụ thể.

Đô thị vệ tinh

Đô thị vệ tinh là gì? Hoạt động ra sao? Nói nôm na, đô thị vệ tinh là đô thị trong một đại đô thị được thiết lập với đầy đủ các chức năng của một chính quyền quản lý đô thị được điều hành theo hiến pháp với quy chế riêng được trung ương phân cấp theo đặc thù của từng đô thị khác nhau, nhằm giảm áp lực hành chính, tập trung vào một đầu mối như cách mà chúng ta điều hành hiện nay.

Các đô thị vệ tinh được bố trí theo khu vực Đông – Tây – Nam – Bắc mà trung tâm của trục này chính là trung tâm thành phố cũ được kết nối với các đường cao tốc vành đai (city bypass) nhằm giảm áp lực giao thông và thúc đẩy sự phát triển hài hòa của mỗi khu đô thị vệ tinh. Chức năng điều hành quản lý của chính quyền các đô thị vệ tinh đều có thẩm quyền giống nhau về mặt quản lý nhà nước.

Thí dụ: Ở TP.HCM, nếu bạn cần lấy giấy phép đăng ký kinh doanh thì nơi đâu sẽ cấp cho bạn? Chắc chắn là bạn phải đến Sở KH&ĐT được đặt tại trung tâm thành phố.

Thử hỏi, nếu mỗi ngày có hàng ngàn hồ sơ xin đăng ký kinh doanh mới thì áp lực giao thông, thời gian đi lại của các chủ doanh nghiệp ở các quận, huyện đổ dồn vào một đầu mối tại trung tâm thành phố nơi đặt trụ sở của Sở KH&ĐT? Thay vì, nếu có đô thị vệ tinh được thành lập, các chủ doanh nghiệp muốn đăng ký kinh doanh không cần phải đến Sở KH&ĐT mà chỉ cần đến Thủ Đức nơi đặt đô thị hướng Đông có Sở KH&ĐT “con” cho các quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 thì đủ thấy sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, giảm áp lực giao thông, tiết kiệm được chi phí đi lại đến mức độ nào.. Và, lần lượt là các khu đô thị vệ tinh khác cũng tương tự và được quy hoạch đồng bộ theo phân vùng Tây – Nam – Bắc thì chắc chắn; tình trạng giao thông, áp lực hạ tầng đã không bế tắc như hiện nay!

Ở đây, chỉ mới đề cập đến việc đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, còn hàng ngàn lý do của người dân đều đổ dồn vào trung tâm thành phố để giao dịch, xin cấp phép, chữa bệnh, học hành, vui chơi giải trí… làm cho việc quản lý đô thị đã áp lực lại càng khó khăn hơn. Vì thế, nếu khu đô thị vệ tinh giải quyết được tất cả mọi nhu cầu như một đại đô thị thì chắc chắn; chẳng có người dân nào muốn đổ xô vô trung tâm để làm gì?

Vấn nạn mà chúng ta đang phải chịu đựng như tắc đường, ô nhiễm, tiếng ồn, ngập lụt, lãng phí thời gian... Thì việc gấp rút triển khai mô hình chính quyền vệ tinh lại càng cấp thiết hơn lúc nào hết. Để giảm áp lực và quá tải mọi mặt trong trung tâm thành phố CBD (Central Business District).

Tại hầu hết các nước phát triển, việc thiết lập các chính quyền vệ tinh là tối cần thiết. Hãy nhìn vào Tokyo hay New York, những đô thị có quy mô gấp 3 đến 5 lần Hà Nội hay Sài Gòn nhưng chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều vì chính quyền vệ tinh được phân cấp rất rõ ràng và hoạt động hữu hiệu.

Những vấn nạn chúng ta đang phải chịu đựng trước hết bắt nguồn từ năng lực quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch quá yếu kém cần phải được khắc phục một cách quyết liệt. Điều quan trọng hơn chính là; chính quyền trung ương phải tạo mọi điều kiện về tính độc lập trong các quyết định với cơ chế riêng, đặc thù, đặc tính của các thành phố lớn nhất nước như TP.HCM hay Hà Nội…

Hạn chế cấp giấy phép

Chưa thấy các quản lý nào dễ dãi và “chiều” các doanh nghiệp như TP.HCM. Sự quá tải về hạ tầng, mức độ tăng dân số cơ học theo cấp số nhân hằng năm, đã trở thành vấn nạn đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để cải thiện được tình hình.

Thì, việc tiếp tục cấp giấy phép cho các doanh nghiệp xây dựng các khu thương mại, các tòa nhà căn hộ trung, cao cấp cho hàng chục ngàn căn hộ đã và sắp sửa đưa vào hoạt động ở các quận trung tâm thành phố trong năm 2016 – 2017 sẽ khiến cho cơ sở hạ tầng như ông lão già đang quằng mình vì gánh nặng quá tải, lại tiếp tục “cõng” thêm hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn ngàn cư dân mới cũng khiến cho thành phố đã chật chội càng thêm khó thở..

Bảo vệ các di tích và môi trường

Thành phố đáng sống không chỉ có phát triển kinh tế mà còn phải bảo vệ, giữ gìn các di tích và môi trường sống. Là nơi mà người dân có thể tự hào về những giá trị văn hóa thông qua các di tích được chính những nhà lãnh đạo thành phố cùng chung sức bảo vệ qua các chương trình quy hoạch và phát triển đô thị một cách khoa học và có bản sắc.

Câu chuyện xưởng Ba Son, một khu di tích quan trọng trong lịch sử xây dựng Sài Gòn, chứng kiến và trải qua nhiều biến cố của thành phố này. Những nhà xưởng đồ sộ và ụ tàu trong khu Ba Son không chỉ đơn thuần là những công trình phục vụ cảng tàu. Chúng là những tài sản lịch sử, góp phần giữ những ký ức đô thị của Sài Gòn, cũng như tạo nên bản sắc của thành phố.

Là “ngôi trường” trực quan sinh động cho những thế hệ kế tiếp được học tập từ những bài học lịch sử vô giá của cha, ông để lại. Ngoài ra, khu di tích Ba Son còn là nguồn thu đáng kể cho thành phố từ hoạt động du lịch như các di tích của Nhật và Hoa kỳ như: Nhà kho gạch đỏ ở thành phố Yokohama, cảng xưởng Toyosu, Tokyo, ngôi nhà Old State House tại Boston..

“Một khu đô thị mới đã được dựng lên từ những nhà xưởng này và lấp luôn ụ tàu 122 năm tuổi, để thay vào đó là những cao ốc và biệt thự mà chúng ta có thể gặp ở bất kỳ nơi đâu. Nếu khu đô thị này được đặt ở Thủ Thiêm, hay quận 7, những nơi xung quanh và kết nối tốt với trung tâm Sài Gòn, còn nhiều quỹ đất, thì không ai phàn nàn gì.

Thành phố cần những công trình như thế để phát triển. Nhưng một công trình có giá trị lịch sử với bề dầy gần 225 năm được khởi thủy từ Chúa Nguyễn từ cuối thế kỷ 18 đến thực dân Pháp từ thế kỷ 19 và Ba Son, là một bức tranh sống động minh chứng cho ngành công nghiệp, nền kinh tế biển ở Việt Nam, một dấu ấn của sự ra đời giai cấp công nhân Việt Nam rất cần được bảo vệ như một di sản văn hóa” (Thạc sĩ Phạm Lan Hương, Trường ĐH Văn hóa).

Nhắc đến Ba Son không phải để phàn nàn cho một sự việc đã rồi. Nhưng là bài học kinh nghiệm cho những nhà quản lý, những nhà quy hoạch trước những quyết định có liên quan đến môi trường và di tích cần nên thận trọng vì, một thành phố đáng sống, ngoài các tiện ích phục vụ người dân còn có một yếu tố không thể không có; sự hoài niệm về một nơi chốn đã kéo dài qua bao thế hệ để có được một Sài Gòn như hiện nay.

Giảng viên Huỳnh Anh Dũng CRS – Hoa Kỳ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.