27/02/2012 6:28 AM
Khó khăn về thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang là lực cản của mục tiêu giảm lãi suất cho vay. Đó là vấn đề phải được giải quyết trên lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Thanh khoản, lãi suất và tái cấu trúc ngân hàng
Hợp nhất để thành một ngân hàng hoạt động vững mạnh, minh bạch, đó mới là cái đích tái cơ cấu mà ngân hàng Nhà nước mong muốn. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật
Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần chẩn đoán đúng nguyên nhân của căn bệnh này mới mong có giải pháp dứt điểm thay vì chỉ mang tính sự vụ - bằng cách bơm tiền ra cứu chữa chứa đựng rủi ro bùng phát lạm phát, hoặc áp trần lãi suất huy động cưỡng bức người gửi tiền chia sẻ chi phí tái cấu trúc các khoản nợ cùng với ngân hàng.


Bản chất của vấn đề thanh khoản là… nợ xấu


Trước tiên, cần làm rõ bản chất của vấn đề thanh khoản mà các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhỏ, hiện đang gặp phải. Thực tế thời gian qua cho thấy nguyên nhân chủ yếu của nó không phải là sự chênh lệch tạm thời giữa kỳ hạn cho vay và kỳ hạn huy động trong hoạt động kinh doanh, mà thực chất là do nợ xấu không thu hồi được của các ngân hàng này. Do vậy, chúng ta cần gọi đúng tên của vấn đề đó là nợ xấu chứ không phải là thanh khoản. Các khoản nợ xấu này chủ yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực sản xuất có liên quan do sức cầu ở các thị trường này suy giảm mạnh trong hơn một năm qua. Theo tính toán của ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì chỉ riêng tổng dư nợ bất động sản là xấp xỉ 200.000 tỉ đồng vào cuối năm 2011. Các khoản nợ này, nếu không thanh toán được, sẽ ngày càng phình to với tốc độ tăng bằng với mức lãi suất trên dưới 20%/năm.


Với các khoản cho vay thuộc lĩnh vực bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng và cả chứng khoán thì các ngân hàng thương mại hầu như chưa thu hồi được do các thị trường này sụt giảm mạnh cả về giá lẫn giao dịch. Mỗi khi các khoản huy động đáo hạn, các ngân hàng thương mại lại lâm vào tình trạng “đói” thanh khoản và sẵn sàng lao vào cuộc chạy đua lãi suất gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ. Do vậy, vấn đề thanh khoản sẽ không thể được giải quyết triệt để bằng cách tạm thời bơm tiền qua thị trường mở hay qua cửa sổ tái cấp vốn/tái chiết khấu của NHNN. Hơn nữa, trong điều kiện lạm phát những tháng đầu năm còn cao, dư âm lạm phát của những năm trước chưa mờ nhạt, nếu bơm tiền lâu dài cứu thanh khoản có thể khiến nền kinh tế quay trở lại vòng xoáy lạm phát một lần nữa.

Giải pháp triệt để đối với vấn đề thanh khoản hiện nay phải là những biện pháp xử lý nợ xấu đi kèm với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và thay đổi một số công cụ chính sách.


Giải pháp đơn giản thứ nhất là gỡ bỏ trần lãi suất huy động. Việc làm này sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thể huy động được các khoản tiền gửi mới từ công chúng, chứ không chỉ là các khoản tiền gửi chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Thực tế thời gian qua đã cho thấy không thể ép các ngân hàng thương mại tuân thủ trần lãi suất trong điều kiện họ thiếu thanh khoản. Với xu hướng giảm dần của lạm phát (so với cùng kỳ) và các ngân hàng thương mại đang tự nguyện cắt giảm lãi suất huy động như hiện nay, việc gỡ bỏ quy định trần này sẽ không gây xáo trộn gì nhiều trên thị trường tiền tệ.


Thứ hai, cùng với việc gỡ bỏ trần lãi suất thì việc phát triển và thực hiện các hợp đồng tín dụng với lãi suất điều chỉnh theo lạm phát nhằm đảm bảo lãi suất thực dương sẽ giúp làm tăng các hợp đồng tín dụng dài hạn, và từ đó giảm bớt căng thẳng thanh khoản. Tuy nhiên, vì sự thiếu hụt thanh khoản hiện nay là do nợ xấu và xảy ra trên toàn hệ thống, nên chỉ riêng những biện pháp này là không đủ. Giải pháp mấu chốt ở đây phải là đẩy nhanh quá trình thu hồi, cơ cấu lại, bán các khoản nợ quá hạn và giải chấp các tài sản đảm bảo cho các tổ chức tài chính có tiềm lực, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài nhằm huy động nguồn lực. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian và trong quá trình thực hiện nhiều ngân hàng yếu có thể mất khả năng thanh toán. Để tránh sự đổ vỡ và tháo chạy dây chuyền thì quá trình mua/bán sáp nhập giữa các ngân hàng cần phải được thực hiện nhanh với sự giám sát, và nếu cần thiết là cả sự bảo trợ, của NHNN.

Nếu không bỏ trần lãi suất huy động…

Trong năm nay, thanh khoản vẫn là vấn đề nan giải đối với toàn hệ thống ngân hàng thương mại, do viễn cảnh của thị trường tài chính và môi trường kinh doanh vẫn chứa đựng nhiều bất trắc cùng những thông số không dự báo được. Nợ xấu trong hệ thống, gốc rễ của vấn đề thanh khoản, không dễ dàng giải quyết tính theo đơn vị quý, chừng nào các thị trường tài sản chưa tan băng để hỗ trợ việc giải chấp, khiến tốc độ lưu thông vốn trong nền kinh tế sẽ thấp hơn mức bình thường. Trong khi đó, nguồn cung thanh khoản trực tiếp từ ngân hàng Nhà nước chỉ mang tính sự vụ, không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này. Ngay cả khi ngân hàng Nhà nước có ý định cung ứng một lượng lớn thanh khoản ở kỳ hạn dài, thì bất ổn vĩ mô sẽ nhanh chóng trở lại do lạm phát sẽ bùng lên như cái giá cho nỗ lực cải thiện thanh khoản tạm thời. Điều này sẽ xoá tan mọi nỗ lực bình ổn vĩ mô trong hơn một năm qua, và cùng với nó là những tiền đề cho cải cách.


Cũng vì vậy, diễn biến của lãi suất có thể sẽ không đơn giản là giảm theo kỳ vọng lạm phát, vì theo kinh nghiệm các nước đang phát triển sau khủng hoảng (như Mỹ Latinh), lãi suất thực bị kìm giữ ở mức cao sau nhiều năm do sức ép của những rủi ro trong nền kinh tế vẫn hiện hữu. Cụ thể, xét từ góc độ của hệ thống ngân hàng thương mại, chi phí cho các khoản nợ xấu và nhu cầu dự trữ thanh khoản sẽ đẩy khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ra lên cao. Do đó, trong bối cảnh này, việc kìm nén lãi suất tiền gửi (như chính sách trần lãi suất tiền gửi) có thể không phát huy được tác dụng làm giảm lãi suất cho vay ra. Nếu lãi suất huy động bị đè nén hơn nữa, dưới sự hỗ trợ của lạm phát thấp, thì các ngân hàng sẽ lợi dụng cơ hội này để có thêm nguồn lực bù đắp cho những rủi ro trong hoạt động ngân hàng, thay vì đặt ưu tiên hạ lãi suất cho vay lên hàng đầu. Theo nghĩa đó, người gửi tiền bị cưỡng bức chia sẻ chi phí tái cấu trúc các khoản nợ cùng với ngân hàng.

Giới hạn của việc “giải cứu”

Trong chuyện giải quyết thiếu hụt thanh khoản ở từng ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước (NHNN) nếu dừng lại ở mức hỗ trợ thì là việc bình thường. Vì đây là nơi mà từng ngân hàng thương mại có thể vay nhằm giải quyết thiếu hụt thanh khoản của mình, đồng thời với việc họ sử dụng nhiều cách thức khác trong quản lý tài sản cũng như quản lý nợ để giải quyết vấn đề thanh khoản. Tuy nhiên, thiếu hụt thanh khoản có thể trở thành khủng hoảng vì mang tính dây chuyền và các ngân hàng tốt vẫn có thể bị “liên luỵ” từ đó ảnh hưởng cả thị trường. Đó là lý do để NHNN không phải chỉ hỗ trợ mà là “giải cứu”. Tình trạng này xảy ra có thể có lý do khách quan, bất khả kháng ví dụ như một sự cố tiêu cực lớn ở một ngân hàng nào đó dẫn đến ảnh hưởng đến cả hệ thống (rút tiền ồ ạt), hoặc khủng hoảng tài chính xuất phát từ khủng hoảng của một vài ngành công nghiệp nào đó mà ngân hàng đầu tư, cho vay nhiều (ví dụ như ngành bất động sản, dầu khí…)


Nếu loại trừ các yếu tố khách quan, khủng hoảng thanh khoản có thể xuất phát từ việc quản lý thanh khoản yếu kém của các ngân hàng thương mại: dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn và nghiêm trọng hơn là cho vay cẩu thả làm gia tăng rủi ro tín dụng. Tổn thất tín dụng, nợ xấu sẽ làm ngân hàng mất khả năng thanh khoản, mất vốn. Khủng hoảng thanh khoản hiện nay mang yếu tố chủ quan.


Chưa bàn đến các chính sách tiền tệ, ví dụ lãi suất có hạn chế hiệu quả quản lý thanh khoản của ngân hàng thương mại hay không, câu hỏi vẫn có thể đặt ra ở góc độ các ngân hàng này. Đó là chiến lược và khả năng quản trị thanh khoản ở các ngân hàng thương mại trong điều kiện hiện nay? Bởi vì nếu bản thân các ngân hàng không nâng cao năng lực quản trị trong đó có quản trị thanh khoản thì cái gốc của vấn đề có thể khó giải quyết được. Hơn nữa, việc “giải cứu” của NHNN nếu không đi kèm với một yêu cầu nào đối với ngân hàng thương mại hoặc quan trọng hơn là nếu không đi kèm với việc tăng cường giám sát các chỉ tiêu quản lý thanh khoản ở các ngân hàng thương mại, thì việc giải cứu sẽ khó mang lại hiệu quả; chưa kể việc giải cứu này còn có thể làm phát sinh tâm lý ỷ lại, hay rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng thương mại, khiến các ngân hàng thương mại cho vay bất chấp rủi ro. Vấn đề này sẽ càng nghiêm trọng nếu mầm mống của khủng hoảng thanh khoản không phải từ các ngân hàng thương mại nhỏ mà từ các ngân hàng lớn vì tâm lý luôn chắc chắn có NHNN bảo trợ phía sau.



TS Phạm Thế Anh, viện Chính sách công và quản lý (IPPM)
Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.