Dự án (DA) nạo vét, thông luồng, duy tu và nâng cấp tuyến luồng hàng hải Lệ Môn, kết hợp tận thu cát nhiễm mặn thuộc nhóm DA xã hội hóa, lấy thu bù chi. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, DA đã không những không mang lại hiệu quả, ngược lại còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường, sản xuất của nhân dân, “góp phần” tàn phá hệ thống đê kè biển trong cơn bão số 10, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Các phương tiện hút cát lậu ngang nhiên hoạt động trên vùng biển thuộc phạm vi trong và ngoài DA (chụp ngày 23/9/2017).
Mục tiêu “hoành tráng” của DA
DA nạo vét thông luồng tuyến hàng hải Lệ Môn được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho Cty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Chủ đầu tư) thực hiện tại Quyết định số 1414/QĐ-BGTVT, ngày 29/6/2011 với thời hạn 50 năm. Do yếu kém về năng lực, nên sau đó Chủ đầu tư đã xin điều chỉnh lại DA và được các Bộ, ngành chấp thuận cho triển khai sau hơn 5 năm chậm trễ.
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, DA được Cục hàng hải Việt Nam chấp thuận tại Công văn số 3125/CVHHVN-QLKCHTCB ngày 23/8/2016 (sau khi chủ đầu tư điều chỉnh DA –PV), Chủ đầu tư Cty Thăng Long. DA có mục tiêu và quy mô đầu tư như sau: Chuẩn tắc luồng, thông số thiết kế: tàu 1.000 DWT; cao độ đáy luồng H= - 4,5m; bề rộng luồng b = 60m; mái dốc nạo vét m = 10m. Khu neo đậu tránh trú bão gồm 5 điểm neo; thông số thiết kế: tàu 1.000 DWT; đường kính điểm neo D = 220m; cao độ đáy vùng neo: H = -4,5m. Khối lượng dự kiến 3.515.411 m³, phân kỳ làm 4 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1: nạo vét luồng tàu theo thiết kế, khối lượng 1.781.138 m³. Trong đó, năm 2016 thi công toàn tuyến đạt cao độ -2,1m (hệ hải đồ), khối lượng nạo vét khoảng 445.000m³, năm 2017, thi công toàn tuyến đạt cao độ -4,5m (hệ hải đồ), khối lượng nạo vét 1.336.138m³. tổng kinh phí cả 4 giai đoạn gần 50 tỷ đồng.
Như vậy theo thiết kế, nếu thực hiện nghiêm túc, đúng mục đích và tiến độ thì kết thúc giai đoạn 1 năm 2017, DA sẽ nạo vét được khoảng gần 2 triệu m³ cát, đảm bảo thông luồng tuyến hàng hải cho tàu thuyền, trong đó có tàu trọng tải lớn ra, vào cảng Lệ Môn an toàn với độ sâu luồng tàu -4,5 m, chiều dài toàn tuyến từ phao số 0 đến phao số 4. Tuy nhiên, thực tế việc nạo vét mới đạt khối lượng rất nhỏ, gần như không có kết quả gì (chúng tôi sẽ nêu cụ thể ở bài viết sau). Hơn thế, còn gây những hệ lụy không nhỏ đối với sản xuất của người dân và môi trường biển tại các khu vực lân cận và trong phạm vi DA.
Dân bức xúc vì tàu hút cát lậu hoành hành
Từ phản ánh của một số hộ dân xã Hoằng Phụ, huyện Hoàng Hóa về tình trạng tàu hút cát lậu, hoạt động trong và ngoài phạm vi DA, gây sạt lở bờ sông, cửa biển, bãi ngao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của bà con, nhất là những hộ nuôi trồng thủy hải sản. Vào thời điểm cuối tháng 9, trước cơn bão số 10, được sự giúp đỡ của người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng cùng đồng nghiệp đã có chuyến thâm nhập hiện trường để xác minh sự việc. Lênh đênh gần 3 giờ đồng hồ trên biển (cách bờ khoảng 2,5 km) bằng chiếc bè luồng, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy 8 phương tiện (sà lan) không biển đăng ký, có trọng tải khoảng 500 tấn đang hoạt động khai thác cát. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng người gọi nhau í ới, vang động cả một vùng biển, những chiếc sà lan đang hoạt động hết công suất, xả khói đen xì, thi nhau cắm vòi xuống hút cát, từ đáy biển, cát được bơm lên qua chiếc “vòi rồng” và xả xuống khoang sà lan. Thấy chúng tôi chụp ảnh, mấy người trên sà lan dừng tay “hội ý”, sau đó lấy điện thoại gọi cho ai đó. Lát sau, các sà lan tạm dừng hút cát, nằm yên tại chỗ. Thấy thế, người chèo bè đưa chúng tôi đi cho biết: “Họ thấy các anh quay phim, chụp ảnh nên gọi cho “Sếp” đấy. Hôm nay như thế là còn ít, có những ngày số tàu hút cát lậu lên tới bốn, năm mươi chiếc cơ”.
Những chiếc tàu hút cát lậu ngày càng gia tăng.
Theo phản ánh của người dân địa phương, từ khi DA nạo hút, thông luồng cảng Lệ Môn được triển khai, tình trạng hút cát lậu đã gia tăng đáng kể, nhất là đoạn từ hạ lưu cầu Hoàng Long đến cửa Lạch Hới. Tàu hút cát lậu thường xuyên hoạt động, bọn chúng rất lỳ lợm, cứ chỗ nào có cát là ghé vào cắm vòi hút, hút hết các cồn nổi trên sông, chúng “tấn công” vào các bãi nuôi ngao của bà con, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản các xã Hoằng Phụ, Hoằng Trường và khu vực biển Hải Tiến. Không những thế, hoạt động khai thác cát núp bóng DA nạo vét, thông luồng còn làm ảnh hưởng đến môi trường nước, bãi cát của các bãi tắm Sầm Sơn, Hải Tiến, tác động xấu đến hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng của tỉnh.
Cơ quan chức năng đã làm gì?
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Tiến Duy - Phụ trách đại diện cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Lễ Môn thừa nhận: Hiện tại việc triển khai DA đang tạm dừng. Trước đó ít lâu, tình trạng các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm thường xuyên trà trộn với các tàu thuộc DA nạo vét, thông luồng cảng Lễ Môn để hút cát lậu là có thật và thường xuyên xảy ra. Có những lúc cao điểm, số lượng lên tàu lậu lên tới vài chục chiếc. Trước thực trạng này, đại diện cảng cũng đã nắm bắt và báo cáo lên cấp trên. Về công tác kiểm tra, xử lý, ông Duy cho rằng việc này quá thẩm quyền của đại diện cảng vụ, cơ quan ông chỉ có quyền cấp phép ra vào, kiểm tra, xử lý đối với những phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm. Để xử lý tàu lậu, phải có đoàn liên ngành gồm Cảng vụ Hàng hải, Biên phòng, Cảnh sát đường thủy và chính quyền địa phương mới đủ thẩm quyền.
Cũng theo ông Duy, dù có kiểm tra, tạm giữ, nhưng việc xử phạt với những phương tiện này là vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là bởi những người này đều thuộc diện lao động nghèo, không biết làm gì ngoài nghề sông nước. Đã có những lần Đoàn liên ngành ra quân, kiểm tra hàng loạt phương tiện, đưa về khu vực cảng Lễ Môn tạm giữ để xử lý. Nhưng sau đó lại phải thả cho đi vì họ quá khó khăn, không có tiền nộp phạt, không những thế, những ngày bị tạm giữ phương tiện, họ nấu nướng khói um, đi vệ sinh bừa bãi, nhếch nhác vô cùng.
Được biết, hàng tuần, hàng tháng, đại diện cảng vụ tại Lễ môn đều có báo cáo gửi cảng vụ hàng hải Thanh Hóa về hoạt động nạo vét, thông luồng của DA. Như vậy, tình trạng hoạt động khai thác cát trái phép núp bóng DA nạo vét, thông luồng Cảng Lễ Môn diễn ra cả một thời gian dài như chốn không người, có thể nói là do sự thờ ơ, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, nhất là Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa (không loại trừ có tiêu cực).
Trước tình hình này, các địa phương như Hoằng Hóa, Sầm Sơn đã có báo cáo lên UBND tỉnh, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, cho dừng DA. Qua đề nghị của địa phương và thông tin phản ánh từ cơ sở, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho tạm dừng DA này. Đồng thời, xem xét, bàn giao tuyến luồng trên về cho tỉnh quản lý.
Đào Nguyên (Báo xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.