Đường vào Khu Xen cư hồ Toàn Thành
Báo Tiền Phong nhận được đơn của vợ chồng ông Trịnh Quốc Văn và bà Nguyễn Thị Bạch Đằng, trú tại số nhà 62 phố Đinh Công Tráng (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) khiếu nại: Năm 1983, HTX Toàn Thành ngừng sản xuất chăn nuôi, bỏ hoang lại phần đất lẫn ao không ai quản lý. Khi đó, bố mẹ ông Văn đã khai hoang, tôn tạo một phần ao sau nhà (62 Đinh Công Tráng) để trồng rau, đến năm 1988 sử dụng diện tích đất (179,9 m2) này làm xưởng gạch hoa.
Tại biên bản họp tổ dân phố ngày 6/11/1997 do UBND phường Ba Đình tổ chức về đề nghị cấp giấy phép sử dụng đất theo Nghị định 60/CP ngày 5/7/1994 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại đô thị đã xác minh nguồn gốc đất và xác định 47 hộ dân khu phố Đinh Công Tráng sử dụng đất thổ cư, ổn định từ trước ngày 18/12/1980 (có hộ gia đình ông Văn). Nhiều thế hệ cán bộ lão thành và chính quyền phường Ba Đình trước đây xác nhận cho gia đình ông Văn với nguồn gốc như trên, thửa đất, bao gồm cả thửa đất tôn tạo từ việc lấp hồ đủ điều kiện để làm sổ đỏ, nhưng đều bị “từ chối”.
Năm 2005, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định thu hồi đất tại phường Ba Đình để thực hiện dự án Khu Xen cư hồ Toàn Thành. Mảnh đất rộng 179,9 m2 (gắn liền với phần đất đã được cấp CNQSD) của gia đình ông Văn cũng nằm trong diện giải tỏa, nhưng chỉ được bồi thường hoa màu, tài sản trên đất, không được bồi thường về đất nên ông khiếu nại sự việc.
Ngoài ông Văn, một số hộ dân tương tự cho rằng, dự án thu hồi đất ở ổn định của người dân từ việc cải tạo hồ (có gia đình đã xây nhà kiên cố) để giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền cũng khiếu nại.
Trước đó, vào tháng 11/2004, UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch xây dựng Khu Xen cư hồ Toàn Thành, TP Thanh Hóa với diện tích 5.962,77m2, có 47 hộ dân phố Đinh Công Tráng thuộc diện thu hồi đất. Dù chưa có phương án đền bù và chưa giải phóng mặt bằng nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn ban hành quyết định phê duyệt mức giá sàn để đấu giá quyền sử dụng đất. Sau đó, Cty Xây dựng Thanh Hóa (nay là Cty CP Xây dựng Thanh Hóa- doanh nghiệp trúng đấu giá) lập tức phân lô, bán nền.
Dù dự án còn nhiều khiếu nại chưa được giải quyết, năm 2016, UBND TP Thanh Hóa ra quyết định cưỡng chế số nhà 62 Đinh Công Tráng nhưng bất thành. Vụ việc được khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã 4 lần có ý kiến liên quan đến khiếu nại của người dân trong khu vực dự án.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, rà soát hiện trạng và quá trình sử dụng đất thực tế của gia đình ông Văn, đề xuất giải quyết theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/10/2018 (gia hạn lần 2 đến 30/6/2019), nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cho biết, vướng mắc hiện nay là xác định nguồn gốc đất. “Toàn bộ tài liệu đã được cung cấp cho đoàn công tác của Bộ TN&MT làm rõ, chúng tôi đang chờ kết luận trong tháng 8”, ông Tú nói. Hiện nay, doanh nghiệp yêu cầu GPMB theo kiểu cuốn chiếu (đến đâu hết đến đấy) mới chuyển kinh phí, nếu giải quyết được trường hợp nhà ông Văn, sẽ áp dụng giải phóng mặt bằng cho cả dự án. |








-
Hơn 3.000 tỷ đồng chuẩn bị đổ vào đấu giá đất tại một huyện Thanh Hoá
Huyện Hoằng Hóa dự kiến thu về gần 3.000 tỷ đồng từ việc đấu giá 144 mặt bằng quyền sử dụng đất trong năm 2025.
-
Tỉnh đông dân nhất Việt Nam đưa hơn 890 dự án đưa ra đấu giá, dự thu hơn 28.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định phê duyệt danh mục 892 dự án đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2025 (đợt 1), có hiệu lực từ ngày 26/3/2025.
-
Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ nhiều mỏ khai thác vật liệu ở Thanh Hóa
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) vừa có công văn yêu cầu tỉnh Thanh Hóa cung cấp hồ sơ, tài liệu 12 mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh này.