05/07/2020 3:00 PM
Ngoài đường hướng, chiến lược phát triển, điều thiết thực hơn cả là có cơ chế, chính sách để không những giải quyết bài toán của Thanh Hóa mà còn của khu vực và cả nước

Ngày 4-7, tại Thanh Hóa, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội thảo "Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Hội thảo nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết đề án "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045" (Đề án 218).

Chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh

Tại hội thảo, nhiều lãnh đạo ban, ngành trung ương và nhà khoa học đánh giá Thanh Hóa là vùng đất "địa linh nhân kiệt", có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội vì có đồng bằng, rừng, biển, đường biên giới, tài nguyên thiên nhiên phong phú; có giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không.

Một góc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay

Một góc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay

Thanh Hóa có quy mô dân số lớn đứng thứ 3 cả nước, với 2,4 triệu người trong độ tuổi lao động. Địa phương này là nơi kết nối đồng bằng sông Hồng với Bắc Trung Bộ, Tây Tây Bắc và Bắc Lào với biển; có Khu Kinh tế Nghi Sơn với những ưu đãi đầu tư thuận lợi nhất cả nước...

Nhờ đó, trong 10 năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã chuyển mình mạnh mẽ với mũi nhọn công nghiệp. Hàng loạt dự án công nghiệp lớn, trọng điểm, có sức lan tỏa đã thúc đẩy kinh tế của Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Ban Chỉ đạo Đề án 218 - đánh giá giai đoạn từ năm 2010-2020, Thanh Hóa đạt được nhiều thành tựu, nhất là 3 đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân hằng năm ước đạt 10,3%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế Thanh Hóa hiện tăng gấp 4,5 lần năm 2010, đứng thứ 8 cả nước; đột phá về thu ngân sách. Năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 28.967 tỉ đồng, gấp 5,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 cả nước. Thanh Hóa còn đột phá về thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài với 132 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 14,13 tỉ USD - đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước.

Tuy nhiên, về tổng thể, sau 10 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, tốc độ phát triển của Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh. Thanh Hóa chưa thực sự đảm đương được vai trò trung tâm, động lực phát triển của khu vực; chưa khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh và những thách thức mới...

Hội tụ 6 yếu tố trở thành cực tăng trưởng phía Bắc

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án 218, Thanh Hóa đang trở thành một điểm sáng về kinh tế, một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước, cùng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành "tứ giác" phát triển ở phía Bắc của đất nước. Vì vậy, Thanh Hóa đang chờ một cú hích, một động lực, một không gian mới để cất cánh trong những năm tới.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng Thanh Hóa hội tụ được 6 yếu tố để vươn lên trở thành cực tăng trưởng của phía Bắc. Trong đó, một số yếu tố rất quan trọng như hội đủ cả 3 vùng địa lý; có rừng núi, đồng bằng, biển đảo nên nhiều thuận lợi trong phát triển toàn diện các ngành kinh tế cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ...

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 218 - nhấn mạnh qua các tham luận, có thể thấy tiềm năng, thế mạnh to lớn của Thanh Hóa. Tiềm năng, thế mạnh to lớn đó không chỉ phát triển riêng cho Thanh Hóa mà còn góp phần phát triển cho cả vùng, cả nước; không những có ý nghĩa về mặt phát triển kinh tế - xã hội mà còn về an ninh, chính trị, quốc phòng.

Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nguồn nhân lực, kinh tế biển là 5 lĩnh vực hết sức then chốt trong quá trình phát triển của Thanh Hóa và có tính lan tỏa ra cả vùng, cả nước. Tuy nhiên, Thanh Hóa cần phát triển theo hướng là tỉnh công nghiệp, dựa trên các thế mạnh và nền tảng của các lĩnh vực khác. Thanh Hóa có tiềm năng, thế mạnh nhưng xuất phát điểm thấp, kết quả so với cả nước còn khiêm tốn.

"Thanh Hóa có Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vì thế cần định hướng thành vùng phát triển công nghiệp nặng. Đồng thời, cần làm rõ việc xây dựng liên kết vùng. Bởi nếu không bảo đảm được liên kết vùng thì ý nghĩa của Thanh Hóa đối với đất nước sẽ không thấy được, nên cần phải bộc lộ ra cái đó" - ông Bình phân tích.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ngoài đường hướng, chiến lược phát triển, điều thiết thực hơn cả là cần cơ chế, chính sách để không những giải quyết bài toán của Thanh Hóa mà còn giải quyết bài toán của khu vực, của cả nước.

Định vị lại chính mình

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nêu rõ với những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, thì đây là lúc Thanh Hóa cần định vị lại chính mình trong sự phát triển để không chỉ lo cho chính mình mà còn đóng góp xứng đáng cho khu vực cũng như cả nước.

Điều kiện và thời cơ để Thanh Hóa tiếp tục đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới, cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc đã chín muồi. Song, để thực hiện được điều đó thì Thanh Hóa rất cần có đường hướng và cơ chế, chính sách đặc biệt để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của một địa phương mà dư địa cho phát triển còn rất lớn.

Ông Trịnh Văn Chiến bày tỏ Thanh Hóa rất mong Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh này để lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ và gần 3,7 triệu người dân phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công lời dạy của Bác Hồ "tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu".

Thanh Tuấn (NLĐO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.