Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến 20/01/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cụ thể, có 103 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 388 triệu USD, tăng 2,2 lần về số dự án so với cùng kỳ nhưng lại giảm 70,7% số vốn đăng ký so với thời điểm tháng 1/2021. Nguyên nhân được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải là do tháng 1 năm nay thiếu các dự án FDI có quy mô lớn.

Có 71 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,27 tỷ USD, tăng 2,69 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, cũng có 206 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với tổng giá trị vốn góp đạt 443,5 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 1,2 tỷ USD, chiếm 58,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư trên 472 triệu USD, chiếm gần 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hành chính và dịch vụ hỗ trợ; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 221 triệu USD và 52,5 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Trong tháng 1/2022, đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 666 triệu USD, chiếm 31,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 481 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 451 triệu USD, chiếm gần 21,5% tổng vốn đầu tư, giảm 27% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan,…

Về địa bàn, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 448 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 29,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nghệ An mặc dù không thu hút được dự án mới, song với 02 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, Nghệ An xếp thứ hai với 400 triệu USD, chiếm trên 19% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Long An Phú Thọ…

Tính lũy kế đến ngày 20/01/2022, cả nước có 34.642 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 415,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt trên 253,2 tỷ USD, bằng gần 61% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.